Tham dự hội thảo có đại diện Tổng cục Thủy lợi, Viện Môi trường nông nghiệp, Viện Nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ, đại diện các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) khu vực Tây nguyên và Nam Trung Bộ. Hội thảo đã thảo luận về các kinh nghiệm, bài học sản xuất nông nghiệp thông minh, ứng phó với hạn hán, thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra làm ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước và nước tưới. Đại diện các Sở NN&PTNT các tỉnh, các cộng đồng, hợp tác xã đã chia sẻ kinh nghiệm về khả năng chống chịu hạn hán và mất an ninh nguồn nước qua các chương trình nông nghiệp, thủy lợi đã triển khai tại tỉnh, cũng như sáng kiến của người dân.
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Đại diện Sở NN&PTNT đã chia sẻ các nhóm giải pháp về phát triển hệ thống thủy lợi; về điều tiết nước, tổ chức sản xuất và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; liên kết sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Theo đại diện Ban Quản lý dự án GCF2-SACCR, giai đoạn 2021 – 2026, đối tác 5 tỉnh của dự án là Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk và Đắk Nông sẽ tập trung hỗ trợ những nông dân dễ bị ảnh hưởng nhất là người nghèo và cận nghèo, dân tộc thiểu số và phụ nữ nhằm tăng cường khả năng chống chịu khí hậu cho các tài sản nông nghiệp chính gồm: Nước, đất, cây trồng. Dự án hướng đến 22.200 hộ trực tiếp và hơn 200.000 hộ gián tiếp hưởng lợi.
Các hoạt động hỗ trợ quan trọng của dự án nhằm tăng khả năng tiếp cận, sử dụng nước hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp, thông qua xây mới, nâng cấp hệ thống thủy lợi, hỗ trợ áp dụng các thiết bị tưới tiết kiệm, áp dụng canh tác sử dụng nước hiệu quả; nâng cao năng lực áp dụng nông nghiệp chống chịu với hạn hán với các cây trồng có giá trị kinh tế cao, kết nối thị trường để hỗ trợ nông dân tiếp cận, áp dụng hiệu quả trong sản xuất.
Anh Tuấn