Đẩy mạnh thực hiện công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông

Nhằm triển khai thực hiện đạt hiệu quả Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14-5-2018, ngày 22-6-2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2704/KH-UBND triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Đề án trong giai đoạn 2021-2025.

Để đạt được các mục tiêu của Đề án, Kế hoạch đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để tập trung thực hiện, trong đó trọng tâm là nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp (GDHN) và định hướng phân luồng học sinh phổ thông bằng các biện pháp: Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của GDHN và định hướng phân luồng học sinh phổ thông. Xây dựng được trang thông tin cung cấp đầy đủ và kịp thời các thông tin về tuyển sinh, tuyển dụng lao động. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục phổ thông với các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nhân,… để tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp một cách thiết thực và hiệu quả.

Cùng với đó, tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức GDHN trong trường phổ thông. Cụ thể, trong giai đoạn chuyển tiếp giữa hai chương trình, một mặt thực hiện tốt các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, giáo dục STEM, tích hợp giáo dục hướng nghiệp vào chương trình các môn học mới; một mặt thực hiện tốt hơn nữa chương trình GDHN đối với những lớp còn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện và nhân rộng các mô hình thực hiện GDHN và định hướng phân luồng đã có (giáo dục khởi nghiệp trong nhà trường phổ thông, giáo dục nhà trường gắn với sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, giáo dục STEM). Đồng thời, xây dựng chỉ tiêu triển khai việc xây dựng được một số mô hình thí điểm về GDHN và định hướng phân luồng học sinh phù hợp với bối cảnh của địa phương để từ đó nhân rộng ra các nhà trường. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện GDHN và định hướng phân luồng học sinh, nhất là trong việc cung cấp thông tin thường xuyên, kịp thời về nhu cầu lao động, thị trường lao động của địa phương và trong cả nước cho các cơ sở giáo dục, theo dõi học sinh ra trường, hỗ trợ khởi nghiệp.

Các học viên tham gia học nghề May tại trường cao đẳng Nghề Ninh Thuận. Ảnh: Văn Nỷ

Phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học tương xứng với các mục tiêu: Đến năm 2025, tất cả các cơ sở giáo dục đều có bộ phận kiêm nhiệm quản lý; tất cả giáo viên kiêm nhiệm được đào tạo, bồi dưỡng về GDHN và phân luồng học sinh; định kỳ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm công tác GDHN theo từng cấp học; huy động đông đảo lực lượng chuyên gia, các nhà quản lý, giáo viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nhân,... tham gia làm công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông.

Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với GDHN trong giáo dục phổ thông. Hoàn thiện văn bản về GDHN và định hướng phân luồng học sinh phổ thông. Xây dựng các giải pháp huy động nguồn lực xã hội trong và ngoài nước tham gia GDHN, định hướng phân luồng học sinh phổ thông. Tăng cường quản lý đối với GDHN, định hướng phân luồng học sinh phổ thông.

Mục tiêu mà kế hoạch hướng tới là tạo ra sự chuyển biến tích cực, rõ rệt trong xã hội về GDHN và phân luồng học sinh phổ thông. Trong đó, tập trung làm tốt công tác xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm thực hiện GDHN trong trường phổ thông, đội ngũ cán bộ các cơ quan quản lý giáo dục. Phấn đấu đến năm 2025 có 100% các trường THCS và THPT thực hiện đầy đủ chương trình “Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp” theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; 100% trường THCS và THPT có Chương trình GDHN gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; đối với các trường ở địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội (KT-XH) đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 80%; 100% trường THCS và THPT có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ; đối với các địa phương có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 80%. Phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%; ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng; đối với các địa phương có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 35%.