Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, trong thời gian gần đây, một số chuyên gia và phương tiện thông tin đại chúng hay dùng từ "siết tín dụng" bất động sản. Ngân hàng Nhà nước chưa bao giờ phát ngôn hay có văn bản nào sử dụng từ này đối với lĩnh vực nói trên. Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước từ trước đến nay là kiểm soát chặt chẽ tín dụng ở một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro lớn như: bất động sản, chứng khoán…
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú trả lời các câu hỏi. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, đối với lĩnh vực bất động sản, những đối tượng cần kiểm soát chặt chẽ tín dụng là các dự án lớn, xây dựng khu resort, khu nghỉ dưỡng và những dự án có tính chất đầu cơ, lũng đoạn giá… Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện công việc này trong năm 2022 và thời gian tới.
Thực tế cho thấy, Ngân hàng Nhà nước vẫn khuyến khích tập trung nguồn vốn tín dụng vào các phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội hay nhà ở cho công nhân... Trong Nghị định 31 vừa qua và Thông tư 03 có hướng dẫn hỗ trợ 2% lãi suất cho tất cả các đối tượng thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân hoặc cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục do Bộ Xây dựng đề xuất. Điều này cho thấy không phải tất cả lĩnh vực bất động sản đều bị kiểm soát chặt chẽ.
Theo ông Đào Minh Tú, bất động sản thời gian gần đây có tăng trưởng nhưng ở mức bình thường. Đến giữa tháng 4/2022, tín dụng bất động sản tăng và đạt dư nợ 2 triệu 288 nghìn tỷ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021.
Tổng dư nợ của tín dụng bất động sản chiếm 19,16% tổng dư nợ của nền kinh tế; trong đó, tổng dư nợ của tín dụng bất động sản bị kiểm soát chặt chẽ chiếm 1/3.
"Điều này chứng tỏ không phải tất cả lĩnh vực bất động sản đều bị kiểm soát chặt chẽ và không có nghĩa nguồn cung bất động sản bị thiếu do bị kiểm soát chặt chẽ", ông Đào Minh Tú cho hay.
Theo TTXVN/Báo Tin tức