Ứng dụng công nghệ lồng nhựa HDPE vào nuôi thủy sản

Ngư dân tỉnh ta có kinh nghiệm nuôi biển, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế cao như cá mú, cá chim, cá bè, tôm hùm… Tuy nhiên, truyền thống làm lồng bè của người dân chủ yếu là khung gỗ liên kết với nhau bằng dây, hệ thống nâng đỡ lồng là phao xốp hoặc thùng nhựa nên độ bền không cao, thường xuyên phải tu sửa, thay thế, dẫn đến mất thời gian, công sức, chi phí và ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả nuôi.

Đặc biệt, vào mùa gió Tây - Nam thổi mạnh (từ tháng 4 đến tháng 8 hằng năm) lồng nuôi truyền thống không chống chịu được sóng lớn, nên nhiều hộ phải ngưng sản xuất. Hướng tới phát triển nghề nuôi trồng thủy sản bền vững, đảm bảo duy trì sản xuất quanh năm, được sự hỗ trợ của ngành chức năng, một số hộ đã sử dụng công nghệ lồng nhựa HDPE có thể nuôi cá tại các vùng biển xa bờ.

Giải pháp nuôi biển bằng lồng nhựa HDPE giảm thiểu tác động do bão. Ảnh minh họa

Theo đó, lồng nhựa HDPE bao gồm khung lồng, túi lưới và dụng cụ neo. Đặc điểm lồng nhựa là tách riêng biệt với lồng khác, không kết lại thành bè với hàng chục ô như lồng gỗ truyền thống, giúp cho lồng nuôi thông thoáng, nhờ đó tỷ lệ cá sống cao hơn, ít bệnh, phát triển khỏe mạnh. Qua thực tế sản xuất của một số hộ nuôi biển bằng lồng nhựa ở phường Đông Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) cho thấy, mỗi lồng nhựa với đường kính 10 m, thể tích lồng 500 m3 có thể thả khoảng 1.000 con cá bớp giống, quy trình chăm sóc cá không khác với lồng truyền thống, chỉ cần 2 người là có thể vận hành được. Sau 7 tháng thả nuôi, tỷ lệ cá sống đạt từ 80-90%, cao hơn so với lồng truyền thống 10% và đạt trọng lượng khoảng 5kg/con. Không riêng gì ở Đông Hải, các hộ nuôi tôm hùm ở vịnh Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) cũng đã đầu tư lồng nhựa nuôi tôm hùm cho năng suất cao, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 216 hộ làm nghề nuôi trồng thủy sản trên biển, với 3.534 lồng, việc một số hộ sử dụng lồng nhựa thay thế lồng gỗ để nuôi thủy sản cho hiệu quả cao đã khuyến khích bà con thay đổi hình thức nuôi. Tuy nhiên, người dân đang gặp khó khăn về vốn đầu tư để phát triển nuôi theo hướng công nghiệp, hiện đại, xa bờ. Để hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, ngành chức năng, các địa phương đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, đồng thời tạo thuận lợi cho người dân liên kết với doanh nghiệp cung cấp các trang thiết bị nuôi thủy sản có chất lượng, giá cả hợp lý. Tại Hội nghị “Bàn giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển bền vững năm 2022” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh tổ chức vào ngày 11-5 vừa qua, một số doanh nghiệp đã giới thiệu sản phẩm lồng nhựa HDPE sản xuất trong nước chất lượng cao và giá thấp hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại nhập ngoại đã mở ra cơ hội mới để người dân khai thác tiềm năng lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển theo hướng bền vững.

Ứng dụng lồng nhựa HDPE nuôi thủy sản đang là xu thế mới, mang lại hiệu quả cao. Hiện các nước trên thế giới đang áp dụng rộng rãi mô hình nuôi biển bằng lồng nhựa HDPE, bởi hệ thống lồng này chịu được bão cấp 12, lưới và dây giềng có tuổi thọ từ 7 - 10 năm. Từ ưu điểm của lồng nuôi theo công nghệ tiên tiến, ngành Thủy sản khuyến khích người dân nhân rộng mô hình tại các vùng nuôi đã được quy hoạch.