Tham dự hội nghị có đồng chí Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội; Lê Quang Huy, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Về phía tỉnh ta, có các đồng chí: Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Quang cảnh Hội nghị Báo cáo giám sát kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội.
Qua 5 năm triển khai Nghị quyết số 31/2016/QH14 ngày 22-11-2016 của Quốc hội và Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31-8-2018 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống Nhân dân giai đoạn 2018-2023 đã tạo điều kiện giúp tỉnh Ninh Thuận thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, chiến lược; tạo sức lan tỏa trong việc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm, đột phá như: Cảng biển, du lịch, công nghiệp, năng lượng tái tạo, hạ tầng đô thị, khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế góp phần quan trọng thực hiện đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2016-2020 bình quân đạt 10,2%/năm, quy mô nền kinh tế tiếp tục được mở rộng, tăng gấp 2,16 lần năm 2015; GRDP bình quân đầu người đạt 60,1 triệu đồng/người, tăng 2,17 lần so với năm 2015; thu ngân sách tăng nhanh, tăng bình quân 12,8%/năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 78.015 tỷ đồng, tăng 2,35 lần so với giai đoạn trước. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng về phát triển các nguồn năng lượng mới, an toàn, hiệu quả bảo vệ môi trường theo yêu cầu của Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội. Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 49 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất khoảng 3.035 MW vận hành thương mại, phát điện trên 4,7 tỷ kWh, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Đồng thời, việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương bổ sung Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1 công suất 1.500MW vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia sẽ đầu tư đưa vào vận hành năm 2025-2026, từng bước hình thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước...
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội vẫn còn một số vấn đề vướng mắc về thể chế Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công, chuyển đổi đất rừng, vướng mắc về thủ tục đầu tư hạ tầng truyền tải để giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo nên nhiều cơ chế, chính sách chưa được thụ hưởng; Đề án, chính sách hỗ trợ cho người dân vùng dừng xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân chưa triển khai nên đời sống của một bộ phận người dân còn nhiều khó khăn. Để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV là phấn đấu đến năm 2025 tỉnh Ninh Thuận phát triển khá của khu vực và cả nước, là một trong những trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo, UBND tỉnh đề nghị Quốc hội quan tâm xem xét chủ trương kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ đến hết năm 2025 và quan tâm giải quyết các khó khăn, vướng mắc đối với các cơ chế chính sách tại Nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư.
Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến tham luận của các bộ, ngành và Tập đoàn Điện lực Việt Nam dưới nhiều góc độ, nhất là đề xuất các phương án giải quyết để tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống cho người dân vùng dừng triển khai Dự án điện hạt nhân; đề xuất rà soát lại cơ chế, chính sách đã đề ra tại Nghị quyết 115/NQ-CP, kịp thời điều chỉnh trong trường hợp cần thiết, đảm bảo cơ chế, chính sách khả thi, thiết thực, trong đó quan tâm đến các chính sách chưa được thực hiện như hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, các khu, cụm công nghiệp, áp dụng tỷ lệ cho vay lãi; các cơ chế, chính sách hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, góp phần làm sâu sắc thêm những kết quả đạt được, thấy rõ hơn bức tranh phát triển của tỉnh Ninh Thuận sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội.
Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: P.Bình
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Ninh Thuận có được những kết quả đáng tự hào sau 5 năm từ khi dừng thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận theo Nghị quyết 31/20216/QH1 của Quốc hội đó là nhờ sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương. Qua đó, đã giúp tỉnh bứt phá, vươn lên, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống Nhân dân, thu hẹp khoảng cách. Để tạo tiền đề cho tỉnh tiếp tục phát triển, phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2025 là tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước, là một trong những trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Quốc hội đề xuất Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương cho kéo dài thời gian thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh ban hành tại Nghị quyết 115/NQ-CP đến hết năm 2025. Và có những cơ chế, chính sách đặc thù để giúp tỉnh vươn lên, có điều kiện thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo. Đặc biệt là tạo điều kiện giúp tỉnh sớm phê duyệt Đề án hỗ trợ cho người dân vùng dừng xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân.
Đồng chí Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết luận tại hội nghị. Ảnh: P.Bình
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 31/2016/QH14 của Quốc hội và Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ về dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, tỉnh đã có sự phát triển vượt bậc, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ cần sớm tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP và có phương án giải quyết đối với các cơ chế, chính sách chưa thực hiện và theo đề nghị của tỉnh được kéo dài đến năm 2025; nghiên cứu điều chỉnh phạm vi, nội dung cho phù hợp để sớm phê duyệt Đề án ổn định sản xuất, đời sống Nhân dân và phát triển khu dân cư đối với các vị trí trước đây quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đối với tỉnh Ninh Thuận, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục chủ động phát huy lợi thế như tốc độ phát triển, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tích cực huy động các nguồn lực xã hội, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, làm tốt công tác tư tưởng cho Nhân dân, phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội, văn hóa, bảo đảm môi trường. Qua kết quả khảo sát thực tế, đề nghị các bộ, ngành Trung ương căn cứ nhiệm vụ, thẩm quyền chủ động làm việc, hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho tỉnh. Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung hoàn thiện “Báo cáo giám sát kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư “Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận” trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong thời gian tới.
Hồng Nguyệt