Tại cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo tóm tắt sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 31/2016/NQ14 của Quốc hội về dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án Điện hạt nhân trên địa bàn tỉnh và việc triển khai xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo. Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội trên địa bàn tỉnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, cả về định hưởng phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh. Trong bối cảnh đó, tỉnh đã điều chỉnh chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, trong đó tập trung phát triển điện gió, điện mặt trời và dự án động lực thay thế nhà máy điện hạt nhân phù hợp với định hướng quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Qua đó khẳng định chiến lược phát triển các nhóm ngành trụ cột phù hợp với xu thế, sát với tiềm năng lợi thế của tỉnh, nhất là tiềm năng, lợi thế mới về năng lượng tái tạo, biến những khó khăn, thách thức trở thành động lực phát triển.
Đồng chí Phan Tấn Cảnh, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay đó là, việc điều chỉnh quy hoạch liên quan đến khu vực dự kiến xây dựng 2 nhà máy Điện hạt nhân chưa được cấp có thẩm quyền ban hành, nên công tác quản lý đất đai còn nhiều khó khăn và chuyển đổi mặt bằng chưa có cơ sở thực hiện, ảnh hưởng lớn đến đời sống và các nhu cầu về an sinh của người dân.
Sau khi dừng chủ trương xây dựng nhà máy Điện hạt nhân, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31-8-2018 về một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển KT-XH, ổn định sản xuất, đời sống Nhân dân giai đoạn 2018-2023 tạo điều kiện phát triển của tỉnh trên nhiều mặt về thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội. Quá trình thực hiện còn gặp một số khó khăn như: Chủ trương thay thế quy mô công suất nguồn điện hạt nhân 4.600 MW bằng nguồn điện khí LNG tại Trung tâm điện lực Cà Ná trong Quy hoạch điện VIII chưa được bổ sung; việc đưa 4.345 ha đất tại khu vực có titan ra khỏi quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan để đưa vào dự trữ khoáng sản quốc gia nhằm triển khai các dự án điện gió, điện mặt trời phục vụ yêu cầu phát triển KT-XH của địa phương và một số chính sách liên quan đến chính sách vay và hỗ trợ vốn, đầu tư kết cấu hạ tầng, chưa được triển khai thực hiện. Đặc biệt đề án hỗ trợ cho người dân vùng xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân chưa triển khai nên đời sống của một bộ phận người dân ở các khu vực quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân còn nhiều khó khăn, kéo dài. Do đó UBND tỉnh đề xuất Quốc hội và các bộ, ngành Trung ương sớm có giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện để người dân vùng dự án ổn định đời sống, đồng thời phát triển KT-XH của tỉnh trong thời gian tới.
Ghi nhận những kiến nghị đề xuất của tỉnh, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cấp thẩm quyền xem xét giải quyết; đồng thời tập hợp số liệu, thông tin để có cơ sở đánh giá sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 31/2016/NQ14 của Quốc hội về dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Anh Tuấn