Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình triển khai thực hiện Dự án cao tốc Bắc – Nam phía đông

Ngày 9-3, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến triển khai thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Dự họp có đồng chí Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; đồng chí Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Phan Tấn Cảnh, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 có tổng chiều dài 1.383km đi qua 25 tỉnh, thành phố, tổng mức đầu tư gần 265.000 tỷ đồng. Dự án được chia làm 2 giai đoạn; giai đoạn 1 có chiều dài 654km đã hoàn thành 30% khối lượng công trình; công tác chuẩn bị cho giai đoạn 2 cũng đang được Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành, địa phương liên quan gấp rút triển khai.

Báo cáo với đồng chí Phó Thủ tướng tại cuộc họp về một số khó khăn vướng mắc của Dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo liên quan đến địa phương, đồng chí Phan Tấn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định quan điểm nhất quán của tỉnh là quyết tâm, quyết liệt, hành động hiệu quả để tạo mọi điều kiện tốt nhất cho chủ đầu tư triển khai thi công. Về cơ bản, đến nay, 100% mặt bằng đã được giao, tỉnh cũng đã khẩn trương bổ sung 2 mỏ vật liệu xây dựng tại 2 xã Phước Hữu và Phước Vinh (huyện Ninh Phước) đảm bảo cung cấp 2 triệu mét khối còn thiếu trong 3,86 triệu mét khối cần thiết cho quá trình thực hiện dự án. Ninh Thuận cam kết với Phó Thủ tướng trong tháng 3 sẽ đảm bảo bàn giao mặt bằng 100% và đảm bảo được 2 triệu khối vật liệu đủ xây dựng đường cao tốc.

Đồng chí Phan Tấn Cảnh, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp trực tuyến.

Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương liên quan, phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ phát triển kinh tế - xã hội mà còn mang ý nghĩa to lớn về chính trị, là niềm mong mỏi của người dân, cử tri cả nước. Sự cấp thiết của Dự án cũng được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ ban hành các kết luận, nghị quyết về ưu tiên nguồn lực đầu tư, về cơ chế đặc thù cho dự án. Ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương liên quan trong việc thực hiện dự án, nhất là tiến độ đảm bảo theo kế hoạch đề ra, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị không được chủ quan, lơ là bởi khối lượng công việc còn lại là rất lớn, thời gian thực hiện là không nhiều, trong khi đó, công tác giải phóng mặt bằng của một số địa phương còn kéo dài; vật liệu xây dựng có nơi còn thiếu; vẫn còn 8/12 địa phương chưa thành lập Ban chỉ đạo và Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng… Để giải quyết những khó khăn đó, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương liên quan phải phối hợp chặt chẽ, có kế hoạch cụ thể, nhất là việc đánh giá tình hình triển khai thực hiện cần phải được làm hàng ngày. Mục tiêu đặt ra là quyết tâm đẩy nhanh tiến độ giai đoạn 1 đến năm 2024 phải hoàn thành 654km. Trước mắt, năm 2022 phải hoàn thành 361km, trong đó tập trung vào 4 dự án phải khánh thành trong năm 2022: Mai Sơn – Quốc lộ 45; Cam Lộ - Na Sơn; Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Dây. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các địa phương: Ninh Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận chú ý nguồn cung vật liệu xây dựng đảm bảo tiến độ xây dựng; kiểm soát chặt chẽ tiến độ các công trình, nếu các nhà thầu chậm tiến độ dứt khoát phải thay thế.

Đối với giai đoạn 2 của dự án, đồng chí Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải hoàn thành các khối lượng công việc về hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất rừng; xác định nhu cầu sử dụng đất; khung chính sách đền bù; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Chính phủ về nhu cầu sử dụng đất rừng và đất lúa; trình Thủ tướng phê duyệt khung chính sách đền bù; hoàn thành phê duyệt báo cáo đánh giá hoàn thành tác động môi trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hồ sơ đất rừng, đất lúa… Các địa phương khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo và Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng; trên cơ sở đó, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải lựa chọn các nhà tư vấn …