Tỉ lệ tử vong do biến thể Omicron cao hơn 40% so với cúm mùa

Tỉ lệ tử vong do biến thể Omicron gây ra cao hơn ít nhất 40% so với cúm mùa. Đó là kết quả từ công trình nghiên cứu do một nhóm các nhà khoa học Nhật Bản chuyên tư vấn cho chính phủ về phòng chống COVID-19 tiến hành.

Thông tin này cho thấy nguy cơ tiềm tàng đến từ việc dỡ bỏ các quy định hạn chế quá nhanh, cũng như việc đánh giá chưa đúng mức của nguy hại của biến chủng Omicron đối với sức khỏe con người.

Dựa trên tổng số ca mắc Omicron kể từ tháng 1/2022, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỉ lệ tử vong tại Nhật Bản là 0,13% tính trên tổng ca nhiễm. Con số này thấp hơn nhiều so với mức 4,25% trong các đợt dịch trước tại Nhật Bản, nhưng vẫn cao hơn tỉ lệ tử vong dao động trong khoảng từ 0.006% -0.09% do cúm mùa gây ra.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Osaka, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Các nước trên thế giới đang đẩy nhanh tiến độ nới lỏng các biện pháp hạn chế, từ quy định đeo khẩu trang đến yêu cầu xét nghiệm hay cách ly, nhằm đưa nhịp sống trở lại bình thường. Người dân cũng ngày một mệt mỏi trước các rào cản hạn chế. Kết hợp với mức độ gây bệnh nặng, tử vong suy giảm của Omicron khiến nhiều người tin rằng các biện pháp phòng dịch không còn cần thiết.

Theo nhóm nghiên cứu, tỉ lệ tử vong do Omicron thấp là do độc lực của biến thể này suy yếu so với các chủng trước đây, đặc biệt là chủng Delta. Cùng với đó là lợi ích từ việc tiêm chủng vaccine. Các biện pháp phòng chống dịch được áp dụng từ thời trước khi vaccine được tiêm rộng rãi cũng phát huy tác dụng.

Phát biểu tại buổi lễ công bố báo cáo tối 2/3, ông Takaji Wakita - Chủ tịch ban cố vấn chống COVID-19 của Nhật Bản - cho biết cần có thêm nghiên cứu mới để đánh giá chính xác tác động của việc đồng loạt gỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế chống dịch. Thông tin, số liệu phục vụ công trình nghiên cứu này được thu thập tại thời điểm chính quyền vẫn áp dụng phần lớn các quy định hạn chế.

Nghiên cứu hiện vẫn chưa trải qua khâu bình duyệt trên một tạp chí y khoa chuyên ngành và có một số hạn chế nhất định, trong đó có sự khác biệt về cách thức thu thập dữ liệu, khiến việc so sánh chéo gặp khó khăn – ông Wakita thừa nhận.

Theo TTXVN/Báo Tin tức