Kết quả cho thấy khoảng cách tiêu chuẩn 2 mét được cho là “an toàn” không phải lúc nào cũng áp dụng được và thay đổi phụ thuộc vào các yếu tố liên quan đến môi trường, đồng thời cho thấy khẩu trang thực sự có thể đóng một vai trò cốt yếu.
Các khuyến nghị và hiểu biết hiện tại về sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp thường dựa trên một biểu đồ do nhà khoa học người Mỹ William Firth Wells phát triển năm 1934, tuy nhiên mô hình này rất đơn giản và không tính đến mức độ phức tạp thực sự của tình trạng lây nhiễm bệnh. Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã lập mô hình tiên tiến hơn có thể đánh giá chính xác hơn mức độ rủi ro trực tiếp của việc lây nhiễm COVID-19 liên quan đến một số yếu tố, chẳng hạn khoảng cách giữa các cá nhân, nhiệt độ, độ ẩm, tải lượng virus và kiểu hít thở. Ngoài ra, họ cũng đã chứng minh được mức độ rủi ro này thay đổi như thế nào khi đeo và không đeo khẩu trang.
Nghiên cứu cho thấy một người nói chuyện mà không đeo khẩu trang có thể làm các giọt bắn chứa virus lan xa tới 1m. Nếu người này ho, các giọt bắn có thể lan xa tới 3 m và nếu hắt hơi, khoảng cách có thể lên tới 7 m. Nhưng nếu đeo khẩu trang, nguy cơ lây nhiễm giảm đáng kể.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm mô hình mới bằng cách sử dụng dữ liệu từ các thí nghiệm gần đây về lan tỏa giọt bắn, theo đó cho phép họ đưa một yếu tố vào tính toán và xác định cụ thể nguy cơ lây nhiễm bệnh khi đeo khẩu trang và khi không đeo khẩu trang. Kết quả cho thấy đeo khẩu trang y tế, ở mức độ cao hơn là loại khẩu trang FFP2, cung cấp khả năng bảo vệ rất tốt, làm giảm đáng kể nguy cơ nhiễm bệnh. Với điều kiện khẩu trang được đeo đúng cách, nguy cơ lây nhiễm bệnh là không đáng kể, cho dù ở khoảng cách gần chỉ 1 m, bất kể trong điều kiện môi trường nào và cho dù có nói chuyện, ho hay hắt hơi.
Sau khi hoàn thành nghiên cứu này, nhóm trên đang xúc tiến một nghiên cứu mới tìm hiểu khả năng lây lan bệnh qua không khí.
Theo TTXVN/Báo Tin tức