Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội

Ngày 3/3, tại Nhà Quốc hội, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội" tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến về dự thảo đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả kỳ họp Quốc hội.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì cuộc Tọa đàm.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, nhấn mạnh, qua 67 năm hình thành và phát triển, Quốc hội các khóa đã không ngừng kế thừa và phát huy những thành quả, kinh nghiệm của Quốc hội khóa trước, chủ động sáng tạo, đổi mới cả về tổ chức và phương thức hoạt động nhằm nâng cao hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả, nhanh chóng tiệm cận với xu hướng phát triển của nghị viện trên thế giới. Nhu cầu cải tiến, đổi mới hoạt động là tất yếu, thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình hoạt động của Quốc hội. Đó chính là mong muốn, kỳ vọng của các thế hệ lãnh đạo Quốc hội, đại biểu Quốc hội… về một Quốc hội chuyện nghiệp, hiện đại, hoạt động vì lợi ích của quốc gia, dân tộc và cử tri, nhân dân.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo, chiều 3/3/2022. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các đại biểu tham dự chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện Đề án và dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội và thí điểm những đổi mới, cải tiến tại kỳ họp, trong đó tập trung vào 06 vấn đề: Thứ nhất, đối với kỳ họp bất thường, thông qua những kết quả rõ nét đạt được từ kỳ họp bất thường lần thứ nhất đã đặt ra yêu cầu cần nghiên cứu về lý luận và thực tiễn; tiêu chí về nội dung, điền kiện tổ chức, quy trình, thủ tục. Thứ hai, về đổi mới, cải tiến cách thức tiến hành kỳ họp thường lệ; Dự thảo Đề án mạnh dạn đề xuất tiếp tục chia kỳ họp thành 02 đợt hoặc nhiều đợt để Thường trực Hội đồng dân tộc các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan có liên quan có nhiều thời gian hơn cho công tác tiếp thu, chỉnh lý, giải trình. Ngoài ra, nhiều nội dung chưa kịp hoàn thiện vào giai đoạn khai mạc kỳ họp thì có thể sắp xếp vào đợt sau. Thứ ba, ở giai đoạn chuẩn bị còn thiếu một số quy định về thời hạn gửi tài liệu đến cơ quan thẩm tra. Thứ tư, về tăng cường vài trò của Chủ tọa, người điều hành kỳ họp. Thứ năm, về trách nhiệm trình, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý các dự thảo nghị quyết về nhân sự, cơ cấu tổ chức của Chính phủ, cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ. Thứ sáu, về thí điểm thực hiện giải trình ý kiến ở Tổ trước phiên thảo luận tại Hội trường.

Toàn cảnh buổi tọa đàm, chiều 3/3/2022. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Tham dự và phát biểu tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp, trong đó ghi nhận và đánh giá cao đối với sự chuẩn bị nghiêm túc, công phu, nội dung nghiên cứu bước đầu có chất lượng của dự thảo Đề án; tán thành về sự cần thiết, cơ sở xây dựng, mục đích, yêu cầu, phạm vi, nội dung, bố cục mạch lạc, khoa học, rõ ràng, nhiều đề xuất đổi mới, xác đáng. Bên cạnh đó, một số ý kiến kỳ vọng nhiều hơn sự đổi mới kỳ họp Quốc hội đáp ứng các yêu cầu của hội nhập khu vực và quốc tế, sự đổi mới đó phải gắn chặt chẽ, đồng bộ với yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước phát quyền, vừa kế thừa những điểm phù hợp, song đồng thời phải khắc phục căn bản những điểm tồn tại và tinh thần đổi mới phải là yếu tố chủ đạo.

Phát biểu bế mạc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ:"Mặc dù thời gian chuẩn bị không nhiều, song trùng với thời gian chuẩn bị, tham mưu, Quốc hội tổ chức các kỳ họp 1,2 và kỳ họp bất thường cùng gần 10 phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quyết định nhiều chủ trương, song với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, đặc biệt là việc chú trọng kế thừa kết quả tổng kết quý báu công tác nhiệm kỳ Quốc hội các khóa gần đây (khóa 12,13,14), quá trình tổng kết thi hành các luật về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Nội quy kỳ họp Quốc hội là cơ sở rất quan trọng để xây dựng đề án", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.

Ngay sau cuộc tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập xây dựng đề án khẩn trương tổng hợp các ý kiến, có báo cáo giải trình, tiếp thu đầy đủ, hoàn thiện Đề án và thực hiện các thủ tục tiếp theo để báo cáo, xin ý kiến lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022).

Theo TTXVN/Báo Tin tức