Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, từ ngày 7 đến 16-2, cả nước có 54/63 tỉnh, thành phố cho trẻ mầm non (MN) đi học trực tiếp; cấp Tiểu học (TH) có 59/63 tỉnh, thành phố cho HS đi học trực tiếp; cấp THCS và THPT có 63/63 tỉnh, thành phố cho HS đi học trực tiếp; đối với các cơ sở giáo dục đại học, có 100% đơn vị có kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp. Tổng số HS từ cấp MN đến THPT học trực tiếp đạt 93,71%. Đối với tỉnh ta, ngày 7-2, tỷ lệ HS cấp MN đến THPT học trực tiếp đạt 36,15%; đến ngày 14-2 đạt tỷ lệ 93,97%. Qua theo dõi thực tiễn và kết quả kiểm tra thực tế của Bộ GD&ĐT tại một số địa phương, cho thấy, khi tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp sau tết Nguyên đán, một số địa phương có tỷ lệ giáo viên, HS nhiễm COVID-19 tăng mạnh, gồm: Hải Phòng 9.649 ca, Hà Tĩnh 675 ca, Nghệ An 298 ca, Thanh Hoá 2.359 ca… đã dẫn đến nhiều cơ sở giáo dục phải chuyển đổi hình thức dạy học trực tiếp kết hợp học trực tuyến vì phát hiện có ca F0 trong cán bộ, giáo viên, HS; một số ít địa phương chưa quyết định mốc thời gian cụ thể cho HS MN, TH đến trường; một số cơ sở giáo dục còn lúng túng khi xử lý các trường hợp HS là F0, F1…
Đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta.
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã thảo luận, làm rõ hơn tình hình HS đi học trực tiếp sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; nêu rõ một số khó khăn, vướng mắc và kiến nghị một số giải pháp để việc dạy học trực tiếp cho HS đảm đảm an toàn, hiệu quả. Cùng với những kiến nghị về chuyên môn như: Xem xét, điều chỉnh quy định về thời gian cách ly y tế và số lần xét nghiệm cho trường hợp F1; hướng dẫn thống nhất về việc test sàng lọc HS khi tới lớp và test thường xuyên, cụ thể đối tượng nào cần test…, Bộ GD&ĐT đề nghị Bộ Y tế thống kê và thông tin toàn bộ số trẻ em là F0 từ sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán tới nay, số mắc trong cộng đồng và số mắc do đi học, số chuyển nặng và số tử vong… để phục vụ công tác truyền thông, tạo sự an tâm, đồng thuận trong xã hội, giải tỏa tâm lý lo lắng của phụ huynh trước hiện tượng nhiều HS đi học trở lại mắc COVID-19.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động, không mất cảnh giác, không chủ quan khi khôi phục các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát tốt dịch COVID-19. Trong chỉ đạo, điều hành cần thống nhất, nhưng không nên cứng nhắc, áp đặt. Đối với Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế cần liên tục cập nhật, tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn các cơ sở giáo dục về biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; tuyên truyền, triển khai tiêm vắc xin cho HS; kiểm soát tốc độ lây lan, có phương án xử lý F0, F1, giải pháp trong điều trị COVID-19 cho giáo viên, HS. Cùng với đó, Bộ Y tế cần có hướng dẫn về các loại thuốc, thực phẩm chức năng hỗ trợ trẻ em trong điều trị COVID-19 (đối với những trẻ bị bệnh nền, có vấn đề về sức khỏe cần có hướng dẫn riêng); hướng dẫn cụ thể về xét nghiệm nhanh COVID-19 trong trường học, quy định rõ thời gian cách ly y tế và biện pháp phòng, chống dịch khi tổ chức học bán trú; đối với cơ sở giáo dục cần kiện toàn thiết bị, phương án dạy học trực tuyến để linh hoạt chuyển đổi, sử dụng lâu dài không chỉ trong dịch bệnh.
Lâm Anh