Chủ tịch nước dâng hương tại Khu mộ chí sỹ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng

Trong chuyến công tác tại Quảng Ngãi, sáng 17/2, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới dâng hương, dâng hoa tại Khu mộ nhà chí sỹ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng nằm trên đỉnh núi Thiên Ấn, phía Bắc sông Trà Khúc, cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi hơn 3km về hướng Đông Bắc.

Núi Thiên Ấn cao 106 mét, dáng núi hình thang cân, nhìn từ hữu ngạn sông Trà, tựa như chiếc ấn của trời niêm xuống dòng sông, vì vậy người xưa gọi đây là "Thiên ấn Niêm Hà" (ấn trời đóng trên sông) với niềm tin đây là ngọn núi thiêng chi phối lịch sử và con người Quảng Ngãi.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tưởng niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Cách ngôi chùa không xa, về phía Tây Nam là mộ chí nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947). Nguyên Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng (thường gọi là Cụ Huỳnh) sinh năm 1876, tại xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhận lời mời Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cụ Huỳnh tham gia vào Chính phủ cách mạng lâm thời và giữ nhiều chức vụ quan trọng. Đặc biệt vào tháng 6 năm 1946, Cụ được tin cậy giao giữ chức Quyền Chủ tịch nước và Cụ đã có những đóng góp quan trọng trong việc điều hành bộ máy nhà nước còn non trẻ và xử lý đúng đắn nhiều vấn đề về nội chính, ngoại giao.

Cuối năm 1946, Cụ đi kinh lý miền Trung và đến Quảng Ngãi làm việc tại Trụ sở Ủy ban Kháng chiến Hành chính miền Nam Trung bộ. Tại đây, Cụ đã lâm bệnh nặng và mất ngày 21 tháng 4 năm 1947. Theo tâm nguyện của Cụ, nhân dân Quảng Ngãi đã an táng cụ trên đỉnh núi Thiên Ân linh thiêng này. Cụ Huỳnh Thúc Kháng là một nhà báo nổi tiếng, sáng lập và chủ bút báo Tiếng dân, tác giả Thi tù tùng thoại và nhiều văn phẩm có giá trị về văn học và lịch sử.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tưởng niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Cuộc đời, sự nghiệp, nhân cách, đức độ và tài năng của Cụ Huỳnh là tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước, thương nòi, luôn đặt lợi ích dân tộc trên hết, là biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hết lòng vì dân, vì nước. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Cụ Huỳnh là một người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao... lòng son, dạ sắt, yêu nước, thương nòi..., là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập".

Mộ cụ Huỳnh là sự kết hợp hài hòa kiến trúc hiện đại và truyền thống lăng mộ Đông Phương, ngôi mộ vừa có nét đơn giản, vừa có sự trang trọng nghiêm kính, gắn bó hài hòa với tổng thể cảnh quan Thiên Ấn.

* Cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ tỉnh ủy Quảng Ngãi – địa phương có ưu thế đặc biệt về phát triển công nghiệp, thu ngân sách đạt 24.193 tỷ đồng, vượt hơn 51% trong bối cảnh năm 2021 hết sức khó khăn vừa qua. Năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp của địa phương này tăng 14,5%. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, nhưng phát triển Khu Kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp vẫn đạt kết quả tích cực, kim ngạch xuất khẩu đạt 1.290 triệu USD, tăng 3,2%.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến truyền thống quý báu của con người và vùng đất Quảng Ngãi anh hùng với nhiều tài năng lớn trong các lĩnh vực; đánh giá cao kết quả đứng thứ 5 trong khu vực kinh tế miền Trung, tăng trưởng cao nhất trong khu vực này, đặc biệt là thành tựu trong thu ngân sách, xuất khẩu, xây dựng nông thôn mới…

Chủ tịch nước cho rằng, trong điều kiện khó khăn như năm vừa qua nhưng chính quyền và nhân dân Quảng Ngãi đã đoàn kết, thống nhất thực hiện các giải pháp đúng đắn phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà; giải quyết nhiều tồn tại, tìm ra những cách làm, mô hình phát triển và lối ra hiệu quả.

Chủ tịch nước đề nghị tỉnh cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh; khai thác tốt hơn nữa tiềm năng lợi thế của một địa phương có đường biển dài để tăng trưởng nhanh hơn nữa.

Nhấn mạnh đến 3 trụ cột kinh tế - xã hội- môi trường, Chủ tịch nước mong muốn Quảng Ngãi chú ý quan tâm hàng đầu đến chất lượng nguồn nhân lực, rà soát lại quy hoạch tổng thể với tầm nhìn xa hơn; đặc biệt cần định hướng cơ cấu phát triển Khu Kinh tế Dung Quất bền vững hơn; đóng góp tích cực và quan trọng hơn nữa vào nền kinh tế quốc dân.

Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của lĩnh vực nông nghiệp, Chủ tịch nước yêu cầu tỉnh cần chỉ đạo sát sao hơn nữa với mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống người nông dân. Nâng cao hiệu quả quản trị công nghệ sản xuất nông nghiệp để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị quốc gia. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần khắc phục sớm những hạn chế trong tăng trưởng du lịch và dịch vụ.

Chủ động tự lực, tự cường là phương châm mà Đảng bộ Quảng Ngãi cần quán triệt; phải "dựa vào dân”,…trọng tâm là nâng cấp các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn để thu hút đầu tư, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, Chủ tịch nước chỉ đạo.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng suất lao động thông qua chuyển dịch cơ cấu nguồn nhân lực; thúc đẩy liên kết kinh tế với các địa phương trong vùng.

Đáng chú ý, Chủ tịch nước gợi ý tỉnh thúc đẩy tăng trưởng đô thị hóa, nhất là khu vực đồng bằng, giải quyết việc làm, phát triển dịch vụ và bố trí dân cư phù hợp. Song song với phát triển kinh tế - xã hội phải đảm bảo phát triển văn hóa, an sinh xã hội nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và chuẩn hóa công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Chủ tịch nước tin tưởng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ngãi sẽ đồng tâm hiệp lực, trên dưới một lòng; cùng chung tay xây dựng và phát triển địa phương ngày càng đạt được nhiều thành tựu mới trong tương lai.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng 150 ngôi nhà cho đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi gặp khó khăn.

Theo TTXVN/Báo Tin tức