Nỗ lực vì sự nghiệp “trồng người”

Hòa chung niềm vui của quê hương, đất nước đang đón chào xuân mới, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh nhà cũng đang nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và từng bước đạt được những kết quả đáng tự hào trong sự nghiệp “trồng người”.

Từ những nỗ lực vượt khó

Thời điểm tái lập tỉnh (tháng 4-1992), toàn tỉnh chỉ có 199 trường mầm non, phổ thông. Nhiều xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học lạc hậu, tỷ lệ học sinh (HS) ra lớp ít, bỏ học nhiều. Các mô hình giáo dục chất lượng cao, giáo dục công lập, giáo dục HS khuyết tật chưa được quan tâm, chú trọng. Được sự quan tâm, chăm lo từ trung ương đến địa phương, đến nay, ngành GD&ĐT tỉnh ta đã có bước phát triển ngày càng mạnh mẽ, bền vững. Điểm sáng chính là cơ sở vật chất trường, lớp ngày càng được nâng cấp, mở rộng. Công tác xã hội hóa giáo dục được quan tâm đẩy mạnh góp phần kiên cố hóa trường lớp, giảm tải áp lực cho các trường công lập và nâng cao chất lượng dạy và học theo hướng hội nhập quốc tế. Quy mô trường lớp ở các cấp học tiếp tục được sắp xếp, quy hoạch phù hợp. Chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên dần được nâng lên, chuẩn hóa về trình độ, chuyên môn, có tâm huyết, trách nhiệm với công việc, đáp ứng nhu cầu học tập của HS và yêu cầu đổi mới của chương trình giáo dục.

Giờ lên lớp của cô và trò Trường THPT Tháp Chàm. Ảnh: Phạm Lâm

Từng bước vượt qua những khó khăn, trong hai năm học 2020-2021 và 2021-2022, ngành GD&ĐT tỉnh ta nói riêng và cả nước nói chung tiếp tục đối mặt với những khó khăn, xáo trộn nhất định về kế hoạch, chương trình giáo dục do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thế nhưng, với tinh thần chủ động, trách nhiệm, ngành GD&ĐT đã nỗ lực triển khai thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” vừa đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19, vừa đảm bảo kế hoạch giảng dạy, tạo chuyển biến toàn diện về cả quy mô, chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Đồng chí Nguyễn Huệ Khải, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngành đã xây dựng phương án tổ chức dạy và học chủ động, linh hoạt thông qua hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc trên truyền hình với thời lượng hợp lý, tinh giản nội dung chương trình theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Sử dụng hệ thống học liệu dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình để hỗ trợ dạy học trực tiếp bảo đảm tiến độ thực hiện chương trình, đảm bảo các tiêu chí an toàn trường học khi tổ chức dạy học trực tiếp. Đồng thời, tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện đổi mới phương pháp dạy học tích cực phù hợp với các nhóm đối tượng nhằm phát triển phẩm chất và năng lực HS, kiên trì mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục trong thời gian phải tạm dừng đến trường. Tăng cường phối hợp với cha mẹ HS trong việc quản lý HS học tập ở nhà, ở trường, hỗ trợ tinh thần, đồng hành cùng HS tham gia học tập, bảo đảm an toàn cho HS khi sử dụng các thiết bị điện tử và an toàn thông tin trên môi trường mạng...

Đến nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Với những nỗ lực vượt khó khăn, thách thức của ngành GD&ĐT trong suốt thời gian qua, chất lượng dạy và học cho HS ngày được nâng lên đáng kể. Điển hình như năm học 2020-2021, trong kỳ thi HS giỏi cấp quốc gia, tỉnh ta lần đầu tiên có 1 giải Nhất, cùng với đó là 2 giải Nhì, 4 giải Ba và 8 giải Khuyến khích. Tỷ lệ HS ra lớp các cấp học khá cao, số trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 100,6%; tỷ lệ HS lớp 1, lớp 6 tuyển mới đúng độ tuổi đạt 99,9%; tỷ lệ tốt nghiệp cấp THCS toàn tỉnh đạt 99,88%; tỷ lệ HS THPT tốt nghiệp toàn tỉnh đạt 95,31%. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và xây dựng xã hội học tập đạt được những kết quả tích cực, toàn tỉnh có 7/7 huyện, thành phố đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS và xóa mù chữ.

Trường THPT Phan Bội Châu (Thuận Bắc) được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh địa phương.
Ảnh: Hồng Lâm

Phát huy những kết quả đạt được và hướng đến nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, toàn ngành GD&ĐT quyết tâm, đoàn kết, vượt khó vươn lên để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Cụ thể, tập trung triển khai có hiệu quả trong thực hiện đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT, đáp ứng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế theo Nghị quyết số 29-NQ/TW, Kết luận số 51-KL/TW của Ban Bí thư và các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về phát triển giáo dục. Trong đó, ngành GD&ĐT tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học; xây dựng và phát triển nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; tham mưu xây dựng, phát triển Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận theo Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31-8-2018 của Chính phủ. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị theo kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia; đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục, công tác xã hội hóa để huy động các nguồn lực của xã hội để nâng cao chất lượng GD&ĐT. Thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình; chuyển đổi số trong giáo dục gắn với đổi mới công tác quản lý giáo dục, phương pháp dạy và học. Triển khai có hiệu quả kế hoạch nhiệm vụ năm học, các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong tổ chức dạy học. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho HS, sinh viên. Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các phong trào, cuộc vận động của ngành Giáo dục gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Mùa xuân mới đã về trên khắp mọi miền. Hy vọng rằng với sự quan tâm của tỉnh, và sự quyết tâm của ngành GD&ĐT, sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà sẽ tiếp tục gặt nhiều kết quả cao, góp phần vào nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.