Ngay sau khi Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập ban hành, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các thành ủy, huyện ủy, UBND huyện, thành phố quán triệt quan điểm chỉ đạo, xác định đây là chủ trương lớn và có ý nghĩa quan trọng đến mục tiêu phát triển giáo dục đến toàn thể cán bộ, đảng viên, cơ quan, đơn vị. Trên cơ sở Chỉ thị số 41-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1940/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020 để tổ chức triển khai thực hiện trên tất cả các huyện, thành phố. Cùng với đó, UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Phát triển bền vững lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 (Ban Chỉ đạo) do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban; tổ chức 6 cuộc họp liên ngành GD&ĐT, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và UBND các huyện, thành phố để đánh giá tình hình thực hiện, giải quyết những khó khăn, vướng mắc; đồng thời, chỉ đạo Sở GD&ĐT-Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo cử 2 đoàn công tác do Giám đốc và Phó Giám đốc Sở GD&ĐT làm trưởng đoàn làm việc trực tiếp với huyện ủy, thành ủy, UBND các huyện, thành phố về triển khai chủ trương rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp và đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên (CBGVNV) để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo xem xét giải quyết…
Học sinh Trường THPT Tháp Chàm trong giờ học môn tiếng Anh.
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các huyện ủy, thành ủy đã thống nhất chủ trương và chỉ đạo UBND các huyện, thành phố ban hành kế hoạch hoặc quyết định phê duyệt đề án sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ CBGVNV giai đoạn 2018-2021 để tổ chức triển khai thực hiện; đồng thời quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và tổ chức thực hiện tại mỗi địa phương.
Kết quả, đến tháng 8-2021, toàn tỉnh còn 280 cơ sở giáo dục công lập, giảm 30 trường Mầm non (MN), TH, THCS; tăng 2 trường THPT và giảm 1 trung tâm so với năm 2017. Trong đó, cấp MN từ 72 trường, còn 64 trường; TH từ 152 trường, còn 133 trường; THCS từ 64 trường, còn 61 trường; THPT từ 18 trường thành 20 trường. Đã sáp nhập Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp Hướng nghiệp Phan Rang và Trung tâm GDTX tỉnh thành Trung tâm GDTX - Hướng nghiệp tỉnh; chuyển 2 trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận vào Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh. Tại cơ quan Sở GD&ĐT, cũng đã sắp xếp, kiện toàn từ 10 phòng chức năng xuống còn 4 phòng chức năng.
Sau sắp xếp, tổ chức lại, tổng số cơ sở giáo dục công lập trực thuộc UBND huyện, thành phố giảm 30 cơ sở, tương đương 10,5%. Các cơ sở trực thuộc Sở GD&ĐT giảm 3 cơ sở, tương đương 10,7%, hoàn thành mục tiêu đề ra. Đến nay, toàn tỉnh còn 191 điểm lẻ. Trong đó, MN 137 điểm, TH 47 điểm, THCS 6 điểm, trung tâm 1 điểm. So với năm 2017, cấp MN giảm 27 điểm, TH giảm 7 điểm, THCS tăng 6 điểm, trung tâm tăng 1 điểm. Việc bố trí, sắp xếp đội ngũ CBGVNV cũng được triển khai thực hiện cơ bản hợp lý, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế địa phương và quy định hiện hành. So với năm 2017, đến nay, tổng số CBGVNV cấp MN có 1.408 người, tăng 241 người; cấp TH 3.679 người, giảm 241 người; cấp THCS 2.402 người, giảm 215 người; cấp THPT 1.162 người, giảm 30 người; các trung tâm giảm 14 biên chế.
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh ta tiếp tục triển khai việc rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp học và đội ngũ CBGVNV ở tất cả các cấp học đảm bảo tinh gọn về tổ chức, đầu mối theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII); thực hiện sáp nhập đối với những trường có quy mô nhỏ, đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thuận lợi về khoảng cách giữa các điểm trường; giảm các điểm trường lẻ gần điểm trường chính, chỉ duy trì những điểm trường lẻ do quá xa trường chính, giao thông đi lại khó khăn, địa hình cách trở, dân cư không tập trung; tiếp tục đầu tư ngân sách để hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, cũng như đội ngũ đáp ứng nhu cầu hoạt động, phát triển của trường sau khi sáp nhập theo quy định của Nhà nước.
Lâm Anh