Bảo đảm mở cửa trường học an toàn

Với tỷ lệ tiêm vắc xin trên cả nước hiện nay đã ở mức cao và sự thích ứng với dịch được cải thiện, đã đến lúc mở cửa trường học cho các em quay trở lại học tập. Hiện tại, các địa phương đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện an toàn để đón học sinh trở lại trường ngay sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán

Các địa phương đánh giá mức độ dịch để quyết định tổ chức học trực tiếp

Hơn 2 năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã tổ chức, điều chỉnh toàn bộ các hoạt động dạy và học để thích ứng với dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho trường học. Với những vùng an toàn, trường học duy trì dạy học trực tiếp; nơi dịch phát sinh phức tạp thì chuyển sang dạy học trực tuyến, học trên truyền hình; nhiều nơi tổ chức một cách linh hoạt, dạy học kết hợp giữa các hình thức.

Tuy nhiên, việc trẻ không được đến trường hoặc đến trường rất ít trong một thời gian dài không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng dạy học, còn ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ và ảnh hưởng đến các vấn đề xã hội - kinh tế, cũng như tác động nhiều mặt khác. PGS-TS Phạm Mạnh Hà (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, tỷ lệ học sinh, sinh viên đến thăm khám và điều trị các vấn đề về sức khỏe tâm thần tăng vọt theo thống kê gần đây của Bệnh viện Sức khỏe tâm thần. Nghiên cứu của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cũng cho thấy 56,8% sinh viên thiếu tập trung và không hứng thú học tập; 48% thấy tự ti, mất phương hướng; 56,2% bị rối loạn giấc ngủ; 35,7% thấy tính tình thay đổi, hay cáu gắt, lo lắng không lý do.

Học sinh Trường THPT An Phước (Ninh Phước) học trực tiếp tại trường. Ảnh: T.Mạnh

Tổ chức UNICEF cũng đã có bằng chứng rõ ràng cho việc học sinh ở nhà kéo dài vì dịch bệnh đã bị ảnh hưởng lớn về thể chất, tinh thần, chất lượng học tập… Bên cạnh đó, tình trạng bạo lực gia đình, tảo hôn… gia tăng. Do đó, một trong những trọng tâm mà Liên hợp quốc đặt ra là phải đưa học sinh quay lại học bình thường và phục hồi những gì thiếu hụt khi các em phải ở nhà học trực tuyến.

Hiện nay, cả nước đã có hơn 6,5 triệu học sinh 12-17 tuổi đã được tiêm vắc xin mũi 1, đạt tỷ lệ 90,10%, mũi 2 là 72,24%. Tỷ lệ cán bộ, giáo viên, nhân viên được tiêm vắc xin mũi 2 là 82%, mũi 3 là 28,2%. Thêm vào đó, các khảo sát cho thấy nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong trường học là rất thấp, thấp hơn nguy cơ trong cộng đồng và các gia đình. Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh - địa phương bùng phát dịch mạnh nhất thời gian trước - sau thời gian thí điểm đi học trực tiếp, chỉ có 130 ca mắc COVID-19 trong trường học, chiếm 0,02%; tại Bắc Giang, tỷ lệ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhiễm là 0,009%...

Với sự khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, phân tích kinh nghiệm các nước và thực tế Việt Nam, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, đây chính là lúc cần điều chỉnh trong mở cửa trường học một cách an toàn. Do đó, cùng với tiến độ tiêm vắc xin cho học sinh 12-17 tuổi, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương mạnh dạn triển khai mở cửa trường học trong trạng thái bình thường mới, tạo điều kiện thuận lợi cho cha mẹ học sinh an tâm lao động, góp phần phục hồi kinh tế và ổn định xã hội. UBND các tỉnh, thành phố cần cập nhật, đánh giá mức độ dịch để quyết định linh hoạt việc tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp tại địa phương theo đúng tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế.

Trước đó, trong Thông báo số 18/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc xem xét mở cửa trường an toàn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện truyền thông, tạo sự đồng thuận xã hội về việc mở cửa trở lại trường học an toàn; hướng dẫn các địa phương cho học sinh từ 12 tuổi trở lên đi học trực tiếp, an toàn sau tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sớm nhất có thể, nhất là đối với các địa phương có tỷ lệ cao trong việc tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 cho đối tượng từ 12-17 tuổi; chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, các cơ sở giáo dục tổ chức an toàn phòng, chống dịch COVID-19 để trẻ em, học sinh từ 5-11 tuổi đi học trực tiếp trở lại.

Đảm bảo mở cửa trường học an toàn

Theo ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ GD&ĐT, việc mở cửa trường học là xu hướng chung của các nước trên thế giới theo phương châm “sống chung với COVID-19”. Ở Việt Nam, các biện pháp đảm bảo an toàn để học sinh có thể quay trở lại trường học đã và đang thực hiện khá tương đồng với thế giới. Chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ mở cửa trường học như khuyến cáo của UNICEF và UNESCO. Cùng với đó, tăng cường công tác truyền thông nhằm chuẩn bị tâm lý sẵn sàng thích ứng, cho phụ huynh, học sinh và giáo viên.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nêu rõ, việc cho trẻ em đi học là rất cần thiết, chính quyền, nhà trường và gia đình không nên quá lo lắng. Các cấp chính quyền nên lắng nghe ý kiến tham mưu của các chuyên gia dịch tễ, cơ quan chuyên môn để tổ chức sao cho trẻ em được đi học sớm nhất. Ngoài ra, chính quyền và nhà trường, cha mẹ cũng nên phối hợp để hoạt động dạy và học được thông suốt, tránh tình trạng hôm trước cho trẻ đi học, hôm sau có dịch sợ quá đóng cửa luôn. PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh, chúng ta cần thay đổi suy nghĩ, quan tâm tới quyền lợi và mong muốn của con trẻ nhiều hơn.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, không chỉ là chuyện mở cửa trường học, mà còn là củng cố, tái thiết giáo dục sau dịch bệnh. Do đó, các các địa phương, các sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục cần khẩn trương, kiên quyết, chu đáo để đưa học sinh quay trở lại trường. Dĩ nhiên, cần có kịch bản phù hợp, kịp thời ngay từ lúc này để sau Tết các em trở lại trường hiệu quả, an toàn; cần phải tuyệt đối tránh tâm lý chủ quan, chuẩn bị không chu đáo, phó mặc cho nhà trường, thầy cô… khi mở cửa trường học trở lại.

Để tạo thuận lợi cho các địa phương mở cửa trường học, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ sớm có văn bản chỉ đạo điều chỉnh về cách xác định cấp độ dịch, Bộ GD&ĐT theo đó sẽ ban hành văn bản điều chỉnh các văn bản cũ để phù hợp với hướng dẫn của Bộ Y tế trong tình hình mới. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT sẽ có thêm một số hướng dẫn cho bậc mầm non để tạo thuận lợi cho các địa phương triển khai.