Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính đến tháng 1-2022, trên địa bàn tỉnh có 22 dự án du lịch trọng điểm đang triển khai thực hiện. Trong đó, có 6 dự án đã giao đất, 3 dự án đã giao đất và được UBND tỉnh cho gia hạn tiến độ sử dụng đất; 4 dự án đã giao đất, tiến độ thực hiện chậm; 9 dự án chưa được giao đất, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, vướng đất rừng và chậm tiến độ. Nhìn chung các dự án du lịch trọng điểm trên địa bàn tỉnh thực hiện trong năm 2021 chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra; phần lớn tiến độ triển khai chậm, nguyên nhân chủ yếu là do nhà đầu tư thiếu quyết tâm, thiếu năng lực thực hiện dự án; thời gian hoàn thành thủ tục liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, chuyển đổi đất rừng còn kéo dài, ảnh hưởng đến quy hoạch quốc phòng và nhất là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, việc phối hợp của các ngành, địa phương có trường hợp chưa chặt chẽ và thường xuyên trong việc theo dõi, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất. Một số dự án có quy mô lớn chậm triển khai, nhưng biện pháp xử lý chưa kịp thời...
Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp nghe báo cáo tiến độ triển khai các dự án du lịch trọng điểm của tỉnh.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án du lịch trọng điểm trên địa bàn tỉnh năm 2022, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, kết luận cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với các dự án đầu tư đã được giao đất, cho thuê đất; trường hợp phát hiện dự án đầu tư có dấu hiệu chậm tiến độ sử dụng đất hoặc không sử dụng đất, vi phạm quy định Luật Đất đai thì tham mưu UBND tỉnh xử lý theo quy định của pháp luật. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi giám sát đối với các dự án đầu tư đã và đang thực hiện thủ tục pháp lý; xây dựng kế hoạch chi tiết, đề xuất phương án đối với các dự án chưa thực hiện xong giải phóng mặt bằng, tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo để đẩy nhanh tiến độ. Đối với các dự án chậm tiến độ do khó khăn, vướng mắc về thủ tục, thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành Trung ương về chuyển đổi đất rừng, bồi thường giải phóng mặt bằng, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư chủ động liên hệ với các ngành, cơ quan để được hướng dẫn thực hiện các thủ tục pháp lý; các ngành, địa phương liên quan phối hợp rà soát, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư sớm hoàn thành đầu tư xây dựng, đưa dự án vào hoạt động theo tiến độ đã đề ra.
Xuân Nguyên