Tỉnh ta có điều kiện tự nhiên thích hợp cho hoạt động chăn thả các loại gia súc có thế mạnh và là sản phẩm đặc thù của tỉnh như bò, dê, cừu. Mặc dù vậy, ngành Chăn nuôi đang gặp không ít khó khăn như đồng cỏ tự nhiên cho chăn thả gia súc ngày càng thu hẹp, tình trạng hạn hán kéo dài thường xuyên xảy ra hằng năm dẫn đến nguy cơ thiếu thức ăn thô xanh cho gia súc. Các hộ chăn nuôi chủ yếu dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ, tự phát, việc áp dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế, năng suất; chất lượng, hiệu quả chăn nuôi chưa cao.
Để tiếp tục phát triển chăn nuôi phục vụ tốt nhiệm vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, ngày 21-1-2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 61/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, hiệu quả, có giá trị kinh tế cao đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận”. Nhiệm vụ trọng tâm của Đề án là từng bước chuyển đổi bền vững phương thức chăn nuôi theo hướng tập trung an toàn sinh học, tăng tỷ trọng chăn nuôi trang trại quy mô vừa và lớn, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, năng suất cao, chất lượng tốt, sức cạnh tranh cao. Chăn nuôi nhỏ lẻ từng bước tổ chức lại theo hướng chuyên nghiệp có kiểm soát, bảo đảm an toàn sinh học và bền vững. Ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác cải tạo giống vật nuôi bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, triệt sản vật nuôi có tầm vóc nhỏ, năng suất thấp; tăng cường công tác quản lý giống vật nuôi.
Bước vào năm mới 2022, UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương tập trung triển khai Đề án có hiệu quả. Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục nghiên cứu, vận dụng các cơ chế, chính sách đã ban hành, kết hợp với các quy định mới của Trung ương để triển khai tổ chức thực hiện Đề án. Tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch hằng năm để triển khai thực hiện Đề án; chịu trách nhiệm tổ chức chỉ đạo phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước sản xuất các giống vật nuôi thích hợp với điều kiện trên địa bàn tỉnh để cung cấp cho nhu cầu phát triển chăn nuôi bền vững. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức tập huấn, xây dựng mô hình và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về chăn nuôi; đồng thời, thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ về giống, tinh, phôi và giống nhập khẩu. Chỉ đạo công tác quản lý giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, các chế phẩm sinh học, thuốc thú y, kiểm soát môi trường và phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi. Riêng Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh, Hội đồng khoa học tỉnh xem xét ưu tiên các đề xuất nghiên cứu khoa học và công nghệ nhằm phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn; hỗ trợ thành lập các doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong lĩnh vực chăn nuôi và hướng dẫn xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Đề cập đến lĩnh vực cải tạo giống vật nuôi, đồng chí Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho rằng đây là khâu quan trọng nhằm tạo ra sản phẩm chăn nuôi có chất lượng cao được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm chỉ đạo Trung tâm thực hiện trong thời gian qua và tiếp tục triển khai sâu rộng hơn trong thời gian tới. Thực hiện đề án cơ cấu lại ngành Chăn nuôi, năm 2021 Trung tâm đã chủ động lồng ghép các nguồn lực, nhân rộng được 7 mô hình cải tạo đàn bò; có 660 con bò cái của 171 hộ được thụ tinh nhân tạo. Cùng với đó, Trung tâm đã triển khai dịch vụ cung cấp tinh bò theo hướng xã hội hóa, đã cung cấp 503 liều tinh phối cho hơn 400 bò cái; đồng thời, tư vấn cho huyện Thuận Bắc xây dựng đề án thụ tinh nhân tạo, hỗ trợ trang thiết bị, dẫn tinh viên và hỗ trợ kỹ thuật, đã phối được 62 con bò cái; hỗ trợ điểm dịch vụ thú y ở xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn), thực hiện công tác phối giống nhân tạo bò trên địa bàn tỉnh được 635 liều.
Đồng chí Nguyễn Tin, cho biết thêm: Đề án đề ra mục tiêu đến năm 2025 đàn bò lai Brahman lai Sind và lai khác của tỉnh đạt 55% vào năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đạt 60%. Bảo tồn giống dê bản địa kết hợp với phát triển đàn dê lại, đưa số lượng dê lai của tỉnh lên 87% vào năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đạt trên 90%. Đưa số lượng cừu lai của tỉnh lên 85% vào năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đạt trên 90%. Hướng tới thực hiện đạt mục tiêu của Đề án, năm 2022 Trung tâm triển khai ứng dụng các tiếp bộ kỹ thuật hỗ trợ kịp thời để nhân rộng mô hình thụ tinh nhân tạo bò. Tiếp tục nghiên cứu, vận dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước sản xuất các giống vật nuôi thích hợp với điều kiện trên địa bàn tỉnh để cung cấp cho nhu cầu phát triển chăn nuôi bền vững. Tổ chức tập huấn, xây dựng mô hình và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về chăn nuôi; đồng thời, thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ về giống, tinh, phôi và giống nhập khẩu.
Với việc định hướng đúng để phát triển ngành chăn nuôi bền vững của tỉnh, nhất là đề cao nhiệm vụ cải tạo giống vật nuôi chất lượng cao, tin rằng hoạt động chăn nuôi sẽ chuyển biến tích cực.
Tuấn Anh