Triển khai Chương trình xây dựng NTM tỉnh ta đối diện với nhiều khó khăn, nhất là xuất phát điểm nông thôn của tỉnh khá thấp; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi nhiều nơi chưa đáp ứng nhu cầu..., nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sâu sát, quyết liệt, chủ động, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm của cấp ủy đảng và chính quyền các cấp, sự đoàn kết, đồng thuận cao của hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, đến nay diện mạo các vùng nông thôn có nhiều khởi sắc; đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn được nâng lên rõ rệt; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” mang lại hiệu quả thiết thực. Đến cuối năm 2021, hầu hết các chỉ tiêu về hạ tầng kinh tế - xã hội, y tế, văn hóa, giáo dục, ... đều đạt và vượt kế hoạch. Bình quân toàn tỉnh đạt 16,55 tiêu chí/xã, tăng 7,02 tiêu chí/xã so với 2015; có 29 xã đạt chuẩn NTM gấp 2,63 lần năm 2015; 4 xã đạt chuẩn NTM mới nâng cao; 2 huyện đạt chuẩn NTM và Tp. Phan Rang - Tháp Chàm hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, qua đó góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển chung của tỉnh.
Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn xã Phước Hải
(Ninh Phước) ngày càng phát triển khang trang. Ảnh: Anh Tuấn
Phát huy những kết quả đạt được, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh ta phấn đấu có ít nhất 4 huyện đạt chuẩn NTM, trong đó có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao và 1 huyện cơ bản đạt chuẩn NTM nâng cao; ít nhất 38 xã đạt chuẩn NTM, trong đó ít nhất có 15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; không còn xã dưới 15 tiêu chí theo Bộ Tiêu chí; có 85% số thôn đạt chuẩn NTM, trong đó có 5% số thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 60% số thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang ven biển được công nhận đạt chuẩn NTM. Định hướng đến 2030, tỉnh phấn đấu có ít nhất 5 huyện đạt chuẩn NTM, trong đó có ít nhất 2 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; có ít nhất 45 xã đạt chuẩn NTM, trong đó ít nhất 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 8 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 95% số thôn đạt chuẩn NTM mới, trong đó có 15% số thôn đạt chuẩn NTM mới kiểu mẫu và 65% số thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang ven biển được công nhận đạt chuẩn NTM.
Để đạt được mục tiêu đề ra, ngày 13-1-2022, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng thực hiện xây dựng NTM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, đề ra 8 nhóm giải pháp chỉ đạo thực hiện, trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, nhất là người dân khu vực nông thôn về xây dựng NTM; đẩy mạnh các phong trào thi đua xây dựng NTM đi vào chiều sâu. Chú trọng nâng cao vai trò chủ thể của người dân ở nông thôn, làm cho người dân hiểu, tin và tự giác, tích cực tham gia đóng góp, xây dựng NTM gắn với thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, để khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng xây dựng quê hương phát triển, phồn vinh, hạnh phúc. Thường xuyên cập nhật, phổ biến, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, sáng kiến và những kinh nghiệm hay về xây dựng NTM mới; ban hành kế hoạch và thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” từng giai đoạn.
Hệ thống kênh mương kết hợp giao thông nông thôn được Nhà nước đầu tư xây dựng tạo diện mạo cho
nông thôn mới xã Phước Thái (Ninh Phước). Ảnh: Sơn Ngọc
Tập trung ưu tiên nguồn lực cho các huyện, xã, thôn trong kế hoạch phấn đấu đạt chuẩn NTM theo các cấp độ đảm bảo đạt yêu cầu của bộ tiêu chí NTM. Nâng cao chất lượng lập, quản lý quy hoạch nông thôn; tranh thủ tối đa nguồn vốn để thực hiện xây dựng NTM, nhất là nguồn vốn ODA, vốn vay từ các tổ chức tài chính quốc tế… để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại gắn với phát triển đô thị. Đẩy mạnh phát triển y tế, giáo dục, văn hóa; tăng cường bảo vệ môi trường sinh thái khu vực nông thôn; tiếp tục củng cố, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách bảo đảm phù hợp, khả thi, đủ mạnh, hiệu quả, nhất là các cơ chế, chính sách về huy động nguồn lực, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, khuyến khích ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực... Tạo điều kiện thuận lợi phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, nhất là các hợp tác xã có mô hình liên doanh, liên kết hiệu quả.
Ngoài các giải pháp kể trên, các cấp, các ngành, địa phương cần tăng cường kiểm tra, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác giám sát, nhất là trong việc thu hút, quản lý và sử dụng các nguồn lực. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội các cấp, vai trò giám sát của HĐND và cộng đồng dân cư trong tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định, đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm theo hướng đa dạng hóa, nâng cao hơn nữa chất lượng gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm và hướng đến xuất khẩu. Tập trung đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức, năng lực cho cán bộ làm công tác xây dựng NTM các cấp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực để triển khai hiệu quả nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nhất là cấp cơ sở. Phấn đấu đến cuối năm 2025 tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt 70%; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020; duy trì mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều ít nhất 1,5%/năm, trong đó tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm..., nhằm xây dựng thôn, xóm xanh, sạch, đẹp để hướng đến phát triển du lịch nông thôn.
Văn Thanh