Nghị quyết số 02-NQ/TU thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới

Ngày 24-5-2011, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới đến năm 2020.

Sau 10 năm triển khai, Nghị quyết 02 đã giải quyết đúng, kịp thời các vấn đề thực tiễn đặt ra, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên, người dân, từ đó thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển chung của tỉnh.

Công tác học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết 02 được quan tâm thực hiện; nhận thức các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng NTM được nâng lên. Vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng về xây dựng NTM được tăng cường, sâu sát hơn với quyết tâm chính trị cao; bộ máy triển khai chương trình được thiết lập, kiện toàn thống nhất từ tỉnh tới cơ sở. UBND tỉnh phát động phong trào thi đua cùng cả nước chung sức xây dựng NTM và chỉ đạo các ngành liên quan tham mưu xây dựng các đề án phát triển hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất, huy động các nguồn lực để thực hiện toàn diện các tiêu chí; đề ra các cơ chế, chính sách, giải pháp tổ chức thực hiện cơ bản sát với tình hình thực tiễn, phù hợp với từng giai đoạn, phát huy được hiệu quả; công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện được tăng cường; qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu đề ra. Đồng thời, đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, bảo đảm dân chủ cơ sở, từng bước phát huy vai trò chủ thể của người dân trong huy động nguồn lực và thực hiện chức năng giám sát, tạo nên phong trào sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia xây dựng NTM.

Nhờ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn xã Phước Nam (Thuận Nam) ngày càng phát triển khang trang. Ảnh: V.Nỷ

Trong đó, thành quả lớn nhất chính là sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy, nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về NTM. Người dân đã thực sự hiểu và phát huy được vai trò của chủ thể trong xây dựng NTM và cấp ủy, chính quyền các cấp cũng đã thể hiện rõ nét vai trò định hướng, hỗ trợ. Trong 10 năm, toàn tỉnh đã huy động được 10.028 tỷ đồng đầu tư cho chương trình xây dựng NTM. Trong đó điều đáng quý là sự vào cuộc, hưởng ứng quyết tâm cao của cộng đồng doanh nghiệp, người dân đã đóng góp trên 1.094 tỷ đồng. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh đạt 16,3 tiêu chí NTM/xã; có 26 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 55,32% (vượt 5,32% kế hoạch); có 2 huyện đạt chuẩn NTM (tăng 1 huyện so với kế hoạch). Hầu hết các chỉ tiêu 1 về hạ tầng kinh tế - xã hội, tổ chức sản xuất, y tế, văn hóa, giáo dục... đều đạt và vượt kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 tăng 3,28 lần so với năm 2011 và tăng 1,86 lần so với năm 2015. Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc; đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn được nâng lên rõ rệt; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” mang lại hiệu quả thiết thực cho cộng đồng dân cư.

Những kết quả đạt được trong 10 năm triển khai Nghị quyết 02 là rất quan trọng, tạo đà để triển khai thực hiện chương trình hiệu quả hơn nữa trong giai đoạn tiếp theo. Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Với quan điểm xây dựng NTM là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, từng bước đi vào chiều sâu, thực chất, bền vững; vừa qua Tỉnh ủy đã thành lập các đoàn đi kiểm tra kết quả triển khai thực hiện, đánh giá sâu kỹ, thực chất, toàn diện; đi sâu phân tích, làm rõ những vấn đề cốt lõi của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV để đề ra định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện trong thời gian tới bảo đảm sát đúng, hiệu quả, khả thi. Phấn đấu đến năm 2025, đạt thêm 2 huyện và đến năm 2030 đạt thêm ít nhất 1 huyện NTM; đồng thời tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các huyện, các xã đã đạt NTM. Phát huy vai trò chủ thể của người dân, vai trò nòng cốt của doanh nghiệp trong cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Xây dựng “nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh”.

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh tiếp tục đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, trọng tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, nhất là người dân khu vực nông thôn về xây dựng NTM; đẩy mạnh các phong trào thi đua xây dựng NTM đi vào chiều sâu. Chú trọng nâng cao vai trò chủ thể của người dân ở nông thôn, làm cho người dân hiểu, dân tin và tự giác, tích cực tham gia đóng góp, xây dựng NTM, gắn với thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng xây dựng quê hương phát triển, phồn vinh, hạnh phúc. Nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch nông thôn; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, gắn với phát triển đô thị. Tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện thực tế.

Tập trung rà soát, kiến nghị và kịp thời điều chỉnh, bổ sung, ban hành các cơ chế, chính sách, bảo đảm phù hợp và đủ mạnh để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; chú trọng các cơ chế, chính sách khả thi, có hiệu quả về huy động nguồn lực, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, khuyến khích ứng dụng khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực... Quan tâm tạo điều kiện phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, nhất là các hợp tác xã có mô hình liên doanh, liên kết hiệu quả. Tiếp tục huy động, bố trí, lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Chương trình xây dựng NTM. Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác giám sát, nhất là trong việc thu hút, quản lý và sử dụng các nguồn lực xây dựng NTM. Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, vai trò giám sát của HĐND và cộng đồng dân cư trong tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định, đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra.