Đồng chí Huỳnh Ngọc Du, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phước Thuận phấn khởi cho biết, cấp ủy và chính quyền địa phương tổ chức cho cán bộ và Nhân dân vui Xuân, đón Tết cổ truyền dân tộc đầm ấm, vui tươi, tiết kiệm, an toàn. Các gia đình có con em ở xa về quê đón Tết thực hiện tốt giãn cách xã hội và tự giác khai báo y tế. Ngay từ ngày Mùng 2 Tết, bà con tập trung ra đồng chăm sóc 881 ha cây trồng vụ đông - xuân 2020-2021, sinh trưởng tốt. Trong đó có 220 ha nho và 131 ha táo là hai loài cây trồng chủ lực đem lại giá trị kinh tế cao, giúp cho đời sống người dân no ấm. Đồng thời tích cực góp phần xây dựng Phước Thuận đạt các tiêu chí xã NTM nâng cao. Địa phương tiếp tục quán triệt hệ thống chính trị thực hiện hiệu quả xã NTM nâng cao theo Nghị quyết số 02-NQ/TU, của Tỉnh ủy tỉnh (khoá XII) về tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng thực hiện chủ trương xây dựng NTM.
Hệ thống giao thông thôn Thuận Hòa, xã Phước Thuận được bê tông hóa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Xã Phước Thuận là một trong những địa phương đi đầu xây dựng NTM của huyện Ninh Phước. Giai đoạn 2011 - 2015, Phước Thuận huy động mọi nguồn lực tập trung đầu tư gần 56 tỷ đồng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Phước Thuận đã “cứng hóa” các tuyến đường liên xã, nội thôn và nội đồng với chiều dài trên 31 km, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển nông sản của nông dân. Đồng thời kiên cố và gia cố 14 km kênh mương cấp 3 bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất. Nhiều nông hộ tự nguyện hiến đất tích cực tham gia cùng chính quyền địa phương mở rộng đường giao thông và kênh mương. Hệ thống trường học từ bậc mầm non đến THCS, trạm y tế, điện sản xuất, nước sạch sinh hoạt, chợ nông thôn được đầu tư phát triển phục vụ đời sống Nhân dân. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng NTM đã nâng thu nhập bình của người dân địa phương từ 16,5 triệu đồng trong năm 2011 lên 25,5 triệu đồng vào năm 2015 và giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 3,5%.
Giai đoạn 2016- 2020, Phước Thuận huy động các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng các công trình, dự án NTM nâng cao trên địa bàn xã đạt trên 57,7 tỷ đồng. Trong đó, vốn Trung ương hỗ trợ 18,84 tỷ đồng, chiếm 32,66%; vốn của ngân sách tỉnh 15,72 tỷ đồng, chiếm 27,25%; vốn ngân sách huyện 14,65 tỷ đồng, chiếm 25,4%; vốn do Nhân dân đóng góp hơn 3,4 tỷ đồng từ nguồn hiến 1.737m2 đất xây dựng giao thông và công lao động, chiếm gần 6%... Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và huy động sức dân nâng cao đời sống Nhân dân, địa phương xây dựng các công trình phúc lợi đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất của Nhân dân. Các tuyến đường trục thôn và đường liên thôn bê tông đạt 22,91/26,4 km toàn xã, tăng 8 km so với năm 2015 và 18,7 km đường có điện chiếu sáng bảo đảm đi lại an toàn ban đêm. Đường làng ngõ xóm bê tông hóa đạt 9,9/13,4 km, tăng gần 8 km so với năm 2015.
Phước Thuận là xã tiêu biểu của huyện Ninh Phước có nhiều mô hình sản xuất mới đem lại hiệu quả kinh tế cao được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận 14 sản phẩm đạt chuẩn OCOP: Sản xuất nho an toàn ứng dụng kỹ thuật sản xuất theo chuẩn VietGAP có các sản phẩm nho ăn tươi, nho sấy, táo sấy, siro nho Phan Rang, rượu vang Ninh Thuận, rượu Brandy Ba Mọi của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Ba Mọi; Vang nho Thiên Thảo; Nho khô Phan Rang; thịt dê- thit cừu rút xương, thịt dê viên, thịt cừu viên, thịt dê sấy, thịt cừu xông khói của cơ sở kinh doanh Triệu Tín. Nông hộ Hoàng Thị Cẩm Trinh trồng thí điểm mô hình nho ăn trái theo kỹ thuật Hàn Quốc, sử dụng công nghệ nhà kính kết hợp tưới nước tự động tạo ra sản phẩm nho ăn tươi có giá trị kinh tế cao, thu hoạch bán tại vườn với giá 350- 400 ngàn đồng/kg. Phước Thuận còn là địa phương đi đầu trồng táo, trồng nho giăng lưới chắn côn trùng với diện tích 47ha thu hút 191 hộ tham gia. Mô hình trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP kết hợp làm du lịch vườn được thực hiện tại thôn Phước Khánh với diện tích 30,8ha/131 hộ tham gia, mô hình cánh đồng lớn được thực hiện trên cây lúa tổng diện tích 324ha/1.053 hộ, được nhân rộng diện tích toàn xã. Kinh tế tập thể HTX nông nghiệp Phước Khánh và các tổ hợp tác sản xuất thôn đi vào hoạt động có kết quả. Mô hình chăn nuôi khép kín dê, cừu kết hợp trồng nho, táo đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho gần 3.000 lao động tại địa phương. Phước Thuận hiện có 4.732 hộ, với 15.740 người dân sinh sống tập trung trên địa bàn 7 thôn. Nhờ thực hiện hiệu quả chương trình NTM nâng cao và các chương trình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đã giúp người dân địa phương có thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 49,24 triệu đồng, tăng 25,94 triệu đồng so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,36% theo tiêu chí mới, giảm 2,14% so với năm 2015.
Đồng chí Bạch Văn Nguyên, Phó Chủ tịch phụ trách UBND huyện Ninh Phước cho biết qua thẩm tra rà soát đối chiếu với các tiêu chí NTM xã nâng cao theo Quyết định số số 43/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành, xã Phước Thuận đạt 13/13 nội dung của 5 tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, gồm: Hạ tầng kinh tế xã hội; phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân; giáo dục- y tế- văn hóa; cảnh quan- môi trường; an ninh trật tự - hành chính công. UBND huyện hoàn thành thủ tục trình cấp trên xem xét công nhận Phước Thuận đạt xã NTM nâng cao năm 2020.
Sơn Ngọc