Nhu cầu tiêm mũi tăng cường, mũi nhắc lại tại các nước giàu - nhất là với vaccine của Pfizer-BioNTech và Moderna, vốn được xem là loại vaccine có hiệu quả cao nhất - sẽ sâu thêm hố sâu ngăn cách trong tiếp cận vaccine giữa các nước giàu và nước nghèo. Tính đến ngày 3/1, đã có 9,2 tỉ liều vaccine được đưa vào tiêm chủng trên toàn cầu. Nhưng giới chuyên gia nhận định nhu cầu vaccine còn rất lớn.
Lấy mốc 70% trong tổng số 8 tỉ người dân trên toàn cầu được tiêm phủ hai liều vaccine, lượng vaccine cần phải có sẽ là 11 tỉ liều. Nhưng khi các nước theo đuổi mũi tiêm thứ ba, lượng vaccine cần có lên đến 16 tỉ liều.
Hình ảnh minh họa vaccine phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN
Hiện tại, gần 50% lượng vaccine cung ứng ra thế giới là đến từ các nhà sản xuất Trung Quốc. Do hiệu lực của các loại vaccine là khác nhau, nên giới kinh doanh và học giả ước đoán sẽ phải cần đến 22 tỉ liều vaccine công nghệ mRNA trong năm 2022 để có thể ngăn chặn đại dịch – một ngưỡng sản lượng gần như không thể đạt được trong điều kiện như hiện nay.
Pfizer đã cho xuất xưởng 3 tỉ liều vaccine và có kế hoạch dựa vào ưu thế công nghệ, nguyên liệu để tăng công suất, đưa nguồn cung lên mức 4 tỉ liều trong năm 2022. Hãng dược này cũng đã cam kết sẽ bán 1 tỉ liều vaccine giá ưu đãi cho chính phủ Mỹ, được dùng để cho, tặng các nước gặp khó khăn. Pfizer từng kỳ vọng đạt doanh thu từ vaccine ngừa COVID-19 là 36 tỉ USD trong năm 2021 và khoảng 29 tỉ USD trong năm 2022 – số liệu dự toán mới chỉ dừng lại ở các hợp đồng ký kết đến giữa tháng 10/2021.
Tuy nhiên, các chuyên gia hậu cần nhìn nhận vaccine Pfizer gặp phải những thách thức lớn khi được phân phối tới các khu vực vùng sâu, vùng xa. Vaccine Pfizer phải được cất trữ trong các tủ âm sâu, khiến việc vận vận chuyển, phân phối tới các khu vực nông thôn ở các nước đang phát triển gặp khó khăn, bởi đây là những nơi thiếu điện và hệ thống bệnh viện.
Trong số những người đã tiêm đủ hai liều vaccine tại Mỹ, khoảng 30% người Mỹ đã tiêm mũi tăng cường. Omicron có thể sẽ kéo tăng tỉ lệ này. “Pfizer hiện đóng vai trò thiết yếu, bởi họ là người đi tiên phong về sản lượng.
Nếu muốn lưu trữ vaccine Pfizer trong một thời gian nhất định, cần phải có tủ âm sâu. Mà với phần lớn các nước châu Phi thì hạ tầng này gần như không có”, Michael Shiffler, Giám đốc điều hành Red Lightning, một nhà vận hành logistic phi lợi nhuận chuyên hợp tác với hãng dịch vụ vận chuyển UPS nhận định.
Nhà máy của Emergent BioSolutions – đối tác sản xuất của Johnson & Johnson ở Baltimore, Mỹ. Ảnh: Baltimore Sun
Vaccine của Moderna và Johnson & Johnson có yêu cầu thấp hơn về bảo quản và logistic. Nhưng hai công ty này trong năm 2021 lại không thể đạt được mức sản lượng như đã từng tuyên bố. Moderna đã phải điều chỉnh giảm sản lượng xuống còn 700-900 triệu liều trong năm 2021, thay cho mức một tỉ liều như kế hoạch trước đó. Tuy cung ứng phần lớn vaccine cho các nước giàu, nhưng Moderna cũng đã ký các thỏa thuận về tăng sản lượng vaccine cho các nươc đang phát triển thông qua chương trình Covax trong năm 2022.
Moderna bị chỉ trích mạnh mẽ vì không nỗ lực trong việc tăng nguồn cung vaccine cho thế giới, mặc dù nhận được tiền thuế của dân Mỹ và là đối tác của chính phủ Mỹ trong nghiên cứu, phát triển vaccine. Moderna từng nhiều lần từ chối những lời kêu gọi đòi hãng chia sẻ công nghệ với các nước đang phát triển để có thể mở rộng sản xuất ở ngoài thị trường Mỹ.
Hãng dược này cũng không đưa ra lời giải thích chi tiết về mức sản lượng suy giảm trong cuối mùa xuân năm 2021, trong khi Pfizer vẫn tăng nhanh được sản lượng. Là một công ty khởi nghiệp (start-up) trong lĩnh vực công nghệ sinh học, Moderna không có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất quy mô lớn và phải dựa vào đối tác nhà thầu Lonza để chế ra phần lớn sản lượng vaccine. Ngược lại, Pfizer có kinh nghiệm nhiều năm, có hiện diện đa quốc gia và tự chủ về nguyên liệu.
Johnson & Johnson (J&J) gặp khó khăn trên cả khai khía cạnh an toàn và sản xuất. Hãng dược của Mỹ này từng trải qua bê bối về sản xuất vaccine, sau khi cơ sở sản xuất ở Baltimore phải đóng băng sản xuất trong nhiều tháng do vướng sự cố bị lẫn thành phần vaccine AstraZeneca trong vaccine Johnson & Johnson tại cùng một nhà máy. Chính vì điều này mà J&J phải lùi thời điểm đạt mốc sản lượng 1 tỉ liều cuối năm 2021 sang thời điểm chưa được xác định trong năm 2022.
Nguồn cung vaccine hạn chế xuất hiện tại thời điểm bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine trên toàn cầu ngày một lớn. Các nước giàu rốt ráo đẩy mạnh tiêm mũi tăng cường để ngăn chặn Omicron trong khi nhiều nước nghèo vẫn đang loay hoay phủ mũi vaccine thứ nhất cho người dân.
Theo Sola Olopade, giám đốc các chương trình quốc tế tại Đại học Y khoa thuộc Đại học Pritzker thuộc Đại học Chicago, thế giới đang ở ngã rẽ đầy gập ghềnh. Chừng nào còn bát bình đẳng trong tiếp cận vaccine trên toàn cầu, nhân loại sẽ không được an toàn, bởi virus sẽ tiếp tục đột biến và không thể thể biết chắc mức độ nguy hại của các biến chủng mới ra sao.
Theo TTXVN/Báo Tin tức