Nhiều giải pháp chuyên môn chưa có tiền lệ như giám sát, cách ly, phân tầng điều trị, thiết lập các trung tâm hồi sức, các trạm y tế lưu động, điều trị tại nhà... đã được triển khai kịp thời, phù hợp, hiệu quả, thích ứng với từng giai đoạn. Đáng chú ý, từ một nước tiếp cận chậm vắc xin, nhưng tốc độ và tỷ lệ bao phủ tiêm chủng vắc xin hiện nay thuộc những nước hàng đầu thế giới, Việt Nam đã về đích sớm hơn so với mục tiêu khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, dự báo khó có thể kết thúc sớm. Không chỉ Delta, Omicron, rất có thể xuất hiện thêm những biến thể khác. Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương tổ chức ngày 5-1, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, biến thể Omicron có tốc độ lây nhiễm cao gấp bảy lần trong nhóm chưa tiêm chủng và gấp ba lần với nhóm đã tiêm chủng đầy đủ... nguy cơ tăng nhanh số mắc, gây quá tải hệ thống y tế là khá cao. Thực tế đó đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương và người dân trong công tác phòng, chống dịch. Hơn lúc nào hết, các cấp, các ngành, trong đó nòng cốt là ngành y tế và các lực lượng tuyến đầu khác cần tiếp tục nêu cao quyết tâm trong cuộc chiến chống COVID-19 với mục tiêu trên hết, trước hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân. Ảnh minh họa
Trung bình mỗi ngày (trong 7 ngày qua), có hơn 16.000 người mắc và 221 người chết vì COVID-19. Do vậy, công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả sẽ góp phần quan trọng để thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tạo điều kiện để người dân đón tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, an toàn. Các địa phương cần tăng cường phòng, chống dịch theo hướng quản lý rủi ro; tập trung ưu tiên mục tiêu giảm ca nặng, giảm tử vong. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, tiêm đủ mũi và mũi bổ sung vắc xin phòng COVID-19 cho những người từ 12 tuổi trở lên; bám sát khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, nhất là Tổ chức Y tế thế giới.
Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 25 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron tại Hà Nội, Quảng Nam, TP. Hồ Chí Minh, Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa. Để chủ động kiểm soát tình hình dịch COVID-19 trong bối cảnh biến thể Omicron có thể xâm nhập và lây lan, các địa phương cần thực hiện ngay theo đề nghị của Bộ Y tế, đó là xây dựng các kịch bản, phương án để sẵn sàng đáp ứng tình huống dịch COVID-19 trên địa bàn; bảo đảm nhân lực y tế, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế theo phương châm “4 tại chỗ”...
Bên cạnh đó, những ngày gần đây, một số vụ việc tham nhũng, tiêu cực lợi dụng dịch bệnh để trục lợi đã được phát hiện, điều tra. Hơn lúc nào hết, người dân mong muốn những vụ việc đó sớm được xử lý nghiêm minh, để không làm lu mờ nỗ lực đóng góp, cống hiến cũng như sự hy sinh của các y, bác sĩ, các cán bộ, nhân viên ngành Y tế, những lực lượng tuyến đầu trong cuộc chiến với dịch COVID-19 suốt thời gian qua và cả trong thời gian sắp tới.
Theo Báo Nhân Dân