Chỉ số DDCI được xây dựng trên cơ sở khảo sát mức độ hài lòng của nhà đầu tư, DN, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã đang đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh để nghiên cứu giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh hằng năm. Đồng thời, đề xuất giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại của những lĩnh vực được khảo sát. Chỉ số DDCI gồm 10 chỉ số thành phần: Chi phí gia nhập thị trường; khả năng tiếp cận đất đai và địa điểm kinh doanh; hiệu quả trong cấp phép, thanh tra, kiểm tra và an ninh trật tự; hiệu quả của thủ tục thuế; tính năng động, tiên phong của lãnh đạo huyện; hiệu quả công tác đối thoại và trách nhiệm giải trình; minh bạch thông tin và đối xử công bằng; hiệu quả cải cách thủ tục hành chính và bộ phận một cửa; hiệu quả hoạt động hỗ trợ kinh doanh; chi phí không chính thức.
Cán bộ Trung tâm Hành chính công tỉnh, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính. Ảnh: V.N
Theo kết quả đánh giá chỉ số DDCI của tỉnh năm 2020, Bộ chỉ số DDCI được thực hiện trên cơ sở đánh giá đối với 35 cơ quan, đơn vị bao gồm 7 địa phương và 28 sở, ban, ngành với 196 chỉ tiêu đánh giá. Qua đó, tỉnh ghi nhận 703 ý kiến đóng góp của DN, về số lượng phiếu, khảo sát nhận được 1.001 phiếu hợp lệ, trong đó 424 phiếu đánh giá khối sở, ban, ngành và 577 phiếu đánh giá khối địa phương. So với năm 2019, cơ cấu DN tham gia khảo sát phân theo loại hình DN không có sự thay đổi nhiều. Bảng xếp hạng DDCI năm 2020 cả hai khối sở, ban, ngành và địa phương đều có sự chuyển biến về thứ hạng của các đơn vị so với năm 2019. Theo đó, khối sở, ban, ngành ghi nhận 3 đơn vị đứng đầu là Văn phòng HĐND tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Sở Tư pháp. Đối với khối địa phương, huyện Ninh Phước, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm là 2 đơn vị đứng đầu bảng xếp hạng.
Dựa trên cơ sở dữ liệu từ DDCI, cộng đồng DN trong tỉnh có cảm nhận tích cực hơn đối với chính quyền cấp cơ sở trong việc nâng cao vai trò người đứng đầu, tính năng động và hiệu lực của hệ thống, kiểm soát các loại chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính cho DN. Điều đó được thể hiện qua những phản hồi tích cực của cộng đồng DN đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh trong khảo sát. Điểm trung vị khối sở, ban, ngành năm 2020 đạt 72.75 điểm, tăng 7.92 điểm so với năm 2019 (64.83 điểm). Điểm trung vị khối địa phương đạt 68.33 điểm, tăng 5.41 điểm so với năm 2019 (62.92 điểm). Khoảng cách giữa đơn vị đứng đầu và đơn vị đứng cuối trong bảng xếp hạng khối sở, ban, ngành và địa phương thu hẹp hơn so với năm 2019. Cụ thể: Khoảng cách điểm giữa đơn vị đứng đầu và cuối khối sở, ban, ngành năm 2020 là 27.60 điểm, rút ngắn 13.42 điểm so với năm 2019 (41.02 điểm). Đối với khối địa phương, khoảng cách giữa đơn vị đứng đầu và đơn vị đứng cuối cũng được rút ngắn lại chỉ còn 14.81 điểm, giảm 25.33 điểm so với năm 2019.
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty TNHH Thông Thuận. Ảnh: P.B
Đồng chí Phan Tấn Cảnh, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Qua báo cáo kết quả chỉ số DDCI năm 2020 cho thấy, thời gian qua các DN trong tỉnh đối mặt với hàng loạt những thách thức khó lường không chỉ đến từ dịch bệnh mà còn bởi tình hình thời tiết khắc nghiệt. Có 63% DN đại diện cho biết có sự sụt giảm doanh thu; có 46,12% DN bị thu hẹp quy mô lao động. Cho dù nguyên nhân xuất phát từ đâu thì đây cũng là dịp để các ngành, các cấp nhìn nhận những thiếu sót và chiến lược ứng phó kịp thời để hỗ trợ, phục hồi sản xuất, kinh doanh của các DN. Cũng qua dữ liệu cho thấy, tuy rằng gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng cộng đồng DN vẫn có cảm nhận tích cực hơn đối với chính quyền các cấp trong việc nâng cao vai trò người đứng đầu, tính năng động và hiệu lực của hệ thống, kiểm soát các loại chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính cho DN.
Nhằm tiếp tục nâng cao Chỉ số DDCI của từng sở, ban, ngành, địa phương, trong thời gian tới cần đẩy mạnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận từ cộng đồng DN chung tay nỗ lực triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh. Cùng với đó, đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số hướng tới chính quyền số, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và DN của các cấp chính quyền. Đẩy mạnh việc thực hiện thủ tục cải cách hành chính trên môi trường điện tử để nâng cao tính công khai, minh bạch, tiết kiệm chi phí cho người dân và DN. Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm phục vụ hành chính công.
Ngoài ra, cần phải tập trung thực hiện có hiệu quả những giải pháp về đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ DN; xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch, trong đó chú trọng công khai, minh bạch các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, nhất là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, định hướng thu hút đầu tư... Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối thoại giữa chính quyền và DN, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của DN, nhà đầu tư để có giải pháp hỗ trợ kịp thời, với quyết tâm tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành kinh tế của các sở, ban, ngành, địa phương. Từ đó, tạo động lực cải cách một cách quyết liệt, đồng bộ trong nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, DN, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh và tăng hạng Chỉ số DDCI trong thời gian tới.
Hồng Nguyệt