Theo ông Nguyễn Văn Tính, Phó Chủ tịch HND tỉnh: Thông qua phong trào, các hội viên nông dân đã tích cực học hỏi và trao đổi kinh nghiệm sản xuất, đặc biệt có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các giống mới và áp dụng khoa học - kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhiều hộ dân ở huyện Ninh Sơn mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồngvà áp dụng khoa học - kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Phan Bình
Trước đây, gia đình anh Hứa Văn Sắn ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước) trồng rau màu và cỏ chăn nuôi chủ yếu bằng phương pháp tưới tràn, vừa tốn công lao động lại tăng chi phí sản xuất, lợi nhuận thấp, kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi ứng dụng mô hình tưới nước tiết kiệm trên vùng đất cát sản xuất rau an toàn do HND xã hướng dẫn cho hiệu quả hơn. Không chỉ vậy, anh còn tham gia mô hình trồng măng tây xanh (MTX), trồng hành lá, sau thời gian thực hiện trồng thí điểm mô hình này đã cho thu hoạch, mỗi tháng thu nhập 8-10 triệu đồng. Nhận thấy mô hình trồng MTX hiệu quả, anh mạnh dạn đầu tư cải tạo thêm 2 sào đất để sản xuất, nâng diện tích MTX hiện nay lên 5 sào. Anh Hứa Văn Sắn, chia sẻ: Tôi học hỏi kinh nghiệm của những hội viên nông dân làm ăn có hiệu quả, ứng dụng mô hình tưới nước tiết kiệm và đầu tư mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, tôi tham gia các lớp học chuyển giao KHKT vào sản xuất, hội thảo đầu bờ, kỹ thuật trồng rau, chăn nuôi, khuyến nông... do HND xã tổ chức. Từ tính cần cù, chịu khó học hỏi trong lao động sản xuất, ứng dụng KHKT vào sản xuất, đến nay kinh tế của gia đình anh Sắn dần khá lên và ổn định. Hằng năm với mức thu nhập từ trồng trọt và chăn nuôi, sau khi trừ chi phí lợi nhuận khoảng 380 triệu đồng. Có điều kiện, anh tham gia tổ hợp tác sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, giúp bà con trong tổ tiêu thụ MTX.
Với tinh thần đoàn kết, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng, gia đình anh Sắn đã giúp đỡ các hộ nghèo ở địa phương thông qua hoạt động sản xuất. Cụ thể, tạo công ăn việc làm, giúp đỡ về giống MTX, phân bón, thuốc trừ sâu, vốn để sản xuất, tạo việc làm ổn định cho 6-7 lao động có mức thu nhập mỗi tháng 2,5-3 triệu đồng. Ngoài ra, anh Sắn còn làm đại lý thu mua MTX cung cấp cho các vựa rau lớn ở TP. Hồ Chí Minh.
Theo bà Ninh Thị Kim Cương, Chủ tịch HND xã An Hải, bên cạnh việc thi đua sản xuất giỏi, các hội viên còn tuyên truyền, vận động bà con nông dân đoàn kết tương trợ giúp nhau giảm nghèo, trao đổi với nhau những mô hình, những sáng kiến kinh nghiệm trong quá trình sản xuất để cùng nhau vươn lên. Từ đó đẩy mạnh phong trào sản xuất các loại cây trồng chủ lực như: Nho, táo, lúa, rau màu và MTX... của tỉnh, góp phần xây dựng nông thôn mới. Trường hợp của anh Hứa Văn Sắn là một trong rất nhiều gương tiêu biểu cho tinh thần nông dân đổi mới, cầu tiến, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, biết sử dụng lao động một cách hợp lý, sử dụng đồng vốn một cách hiệu quả, không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn có trách nhiệm với xã hội, giúp đỡ những hộ khó khăn cùng làm giàu.
Có thể thấy, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng” đã tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân, từng bước hình thành thế hệ nông dân “mới” ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, góp phần không nhỏ làm cho ngành Nông nghiệp tỉnh tăng trưởng ổn định.
Anh Thi