CPI bình quân năm 2021 tăng 2,78%

Theo Cục Thống kê tỉnh, trong tháng 12-2021, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,11% so với tháng trước.

Tính chung cả quý IV-2021, CPI tăng 2,11% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu có chỉ số tăng, gồm: Nhóm giao thông tăng 16,55%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,65%; đồ uống và thuốc lá tăng 5,36%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 2,93%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,86%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,96%; giáo dục tăng 0,56% (dịch vụ giáo dục tăng 0,38%); thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,4%; văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,26%. Hai nhóm có chỉ số giá giảm so với cùng kỳ năm trước là hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,66%; bưu chính viễn thông giảm 0,44%.

Chi nhánh Xăng dầu Ninh Thuận.

Kết quả trên đã tác động đưa CPI bình quân năm 2021 tăng 2,78% so với bình quân năm 2020. Các nguyên nhân làm CPI bình quân năm 2021 tăng là do: Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu; Dịch bệnh COVID-19 làm nguồn cung một số mặt hàng thực phẩm bị hạn chế, giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất nhiều mặt hàng tăng; Giá gas trong nước tăng do biến động theo giá gas thế giới; Giá hầu hết các vật liệu xây dựng đều tăng, đặc biệt là giá thép tăng cao do giá phôi thép tăng mạnh; Giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh nhiều đợt, bình quân năm tăng 29,71%.

Bên cạnh đó, có một số yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI năm 2021, đó là: Giá thịt gia súc giảm 7,72%, thịt gia cầm giảm 3,30% do nguồn cung đảm bảo, giá heo hơi giảm đã làm cho giá thịt heo và các sản phẩm chế biến từ thịt heo giảm so với năm trước. Mặt khác, giá dịch vụ du lịch trọn, giá các loại hoa, cây cảnh giảm; giá vé máy bay giảm do tình hình dịch COVID-19 trong nước bùng phát trở lại cũng góp phần kiềm chế mức tăng CPI trong năm 2021.