(NTO) Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) tại Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhà nước ban hành pháp luật; tổ chức, quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Như vậy, cương lĩnh đã có bốn nội dung bổ sung và phát triển so với Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và Nghị quyết Đại hội X là:
Cán bộ xã Xuân Hải tiếp nhận và giải quyết hồ sơ theo thủ tục “một cửa”. Ảnh: Văn Miên
Một là, Cương lĩnh khẳng định cần có sự kiểm soát giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Điều đó có nghĩa là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân bên cạnh cơ chế phân công, phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan của bộ máy nhà nước trong việc thực hiện ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp còn có cơ chế và biện pháp kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước đó trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Mở rộng nội dung này trong Cương lĩnh của Đảng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, góp phần phát hiện sớm để ngăn ngừa và trừng trị tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm, lạm quyền, xâm phạm quyền dân chủ của công dân trong tổ chức và hoạt động của Bộ máy nhà nước nói chung, của các cán bộ, công chức trong Bộ máy nhà nước nói riêng.
Hai là, Cương lĩnh làm rõ hơn những đặc điểm cụ thể của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là Nhà nước phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân. Điều đó có nghĩa là cán bộ, công chức trong Bộ máy nhà nước phải thật sự là công bộc của nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ, mọi hoạt động của Bộ mày nhà nước phải vì lợi ích cao nhất là lợi ích chính đáng của mọi công dân. Muốn thế, một mặt cán bộ, công chức nói riêng, các cơ quan trong bộ máy nhà nước phải luôn có mối liên hệ mật thiết với nhân dân, phải hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, phải thực hiện tốt chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa không chỉ trong toàn bộ quá trình xây dựng, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước mà còn phải tổ chức thực hiện tốt chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa trong toàn bộ đời sống xã hội. Mặt khác, trong quá trình hoạt động, các cơ quan trong bộ máy nhà nước cần phải huy động sự tham gia đông đảo và tích cực của toàn thể nhân dân lao động vào hoạt động quản lý nhà nước của mình thông qua hoạt động của các tổ chức đoàn thể xã hội.
Ba là, Cương lĩnh chỉ rõ tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân phải hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, có sự phân công, phân cấp trong hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, đồng thời bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương. Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nhằm bảo đảm tính hệ thống, thứ bậc của bộ máy nhà nước, bảo đảm việc thực hiện thông suốt những nhiệm vụ của bộ máy nhà nước.
Bốn là, Cương lĩnh xác định nhiệm vụ cụ thể của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân vì nhân dân trong điều kiện mới phải giữ nghiêm kỷ cương xã hội, nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân. Bởi vì con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay là con đường chưa có tiền lệ, là con đường ta đang đi dò dẫm, vừa đi, vừa mở đường để đi nên gặp không ít gian nan, khó khăn trong cả lý luận và thực tiễn. Do vậy tất không thể không có sai lầm, khuyết điểm. Đồng thời trong quá trình đó vẫn còn nhiều tư tưởng bảo thủ, trì trệ của xã hội cũ đang kìm hãm quá trình phát triển và đổi mới, những trở ngại từ những thế lực thù địch đang cản trở con đường mà chúng ta đi. Trong điều kiện đó, muốn phát triển, muốn xây dựng thành công xã hội mới cần phải giữ nghiêm kỷ cương xã hội, thực hiện tốt pháp chế xã hội chủ nghĩa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân.
Thiết thực thực hiện những nội dung trên của Cương lĩnh trong thực tiễn hiện nay, chúng ta cần vận động tổ chức thực hiện tốt cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Đặc biệt, cuộc bầu cử lần này không chỉ là việc cử tri cả nước thực hiện quyền dân chủ trực tiếp để bầu ra các cơ quan quyền lực nhà nước, mà còn gián tiếp bầu ra cả hệ thống các cơ quan hành pháp và các cơ quan tư pháp từ trung ương đến địa phương. Chính vì vậy, đây là cuộc bầu cử có ý nghĩa thiết thực, là một cơ hội quan trọng và thuận lợi để chúng ta tiếp tục tổ chức xây dựng và hoàn thiện Bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương. Nhiệm vụ vận động và tổ chức tốt cuộc bầu cử này chính là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội nhằm lựa chọn được những đại biểu tiêu biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân, thiết thực thực hiện mục tiêu quan trọng là xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân theo những quan điểm của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) tại Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam nêu trên.
Trương Tiến Hưng (Trường Chính trị tỉnh)