Hội nghị được kết nối trực tuyến với 300 điểm cầu trên toàn quốc. Tại điểm cầu tỉnh ta có đại diện một số sở, ngành, các ban quản lý rừng và Văn phòng đăng ký đất đai.
Đề án được triển khai theo Quyết định số 32/QĐ-TTg, ngày 7- 1- 2020 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian thực hiện từ năm 2020- 2024, với các nội dung: Rà soát, cắm mốc, lập hồ sơ ranh giới; xây dựng lưới địa chính; đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tích hợp cơ sở dữ liệu địa chính; các nhiệm vụ như thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, xử lý, thu hồi tài sản…
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh ta.
Triển khai thực hiện Đề án, đến nay, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã ban hành các văn bản chỉ đạo, xây dựng các phương án hỗ trợ về kỹ thuật và kinh phí, thực hiện các hoạt động kiểm tra, kiểm soát, thanh tra vệc chấp hành chính sách, pháp luật và xử lý các vi phạm đối với đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; điều tra, thống kê quỹ đất các nông, lâm trường bàn giao về địa phương…Tại các địa phương việc triển khai Đề án còn chậm. Hiện nay, mới chỉ có 27/34 tỉnh đã xây dựng và phê duyệt Đề án, 8/27 tỉnh đã xây dựng và phê duyệt Thiết kế kỹ thuật- dự toán, 2 tỉnh Hà Giang và Đắk Lắk đang triển khai thực hiện.
Tại tỉnh ta, tổng diện tích đất có nguồn góc từ các nông, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp, các tổ chức khác, hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng là gần 140.000 ha. Trong đó, diện tích chưa có bản đồ địa chính, cần đo vẽ trên 2.500 ha; diện tích cần chỉnh lý bản đồ địa chính là trên 70.000 ha; diện tích cần rà soát, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất hơn 19.000 ha; có hơn 27.000 ha có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận… Đến thời điểm này, tỉnh ta đã phê duyệt Đề án.
Để đảm bảo Đề án được triển khai theo đúng kế hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị thời gian tới, các tỉnh, thành phố cần: Ưu tiên bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện Đề án; chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm đầu mối để chủ động điều phối, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành liên quan; tập trung rà soát xử lý các tồn tại, hạn chế…Bộ cũng đề nghị các bộ: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Quốc phòng, Công an, Tài chính và Thanh tra Chính phủ chỉ đạo thực hiện các nội dung trong Đề án.
Tại Hội nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đánh giá lại hiệu quả hoạt động của hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai; tập trung lắng nghe, thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực đăng ký đất đai; tập huấn, trao đổi xử lý các vướng mắc về chuyên môn, nghiệp vụ cho Văn phòng đăng ký đất đai.
Ngọc Diệp