Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022

Ngày 21-12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm tổng kết công tác tư pháp năm 2021 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2022. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Cùng dự còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương. Dự tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh.

Năm 2021, trong bối cảnh chung của đất nước chịu sự ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã tác động lớn đến tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) nói chung và việc triển khai công tác tư pháp nói riêng. Tuy nhiên, thực hiện Phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hành động, khát vọng phát triển” của Chính phủ, toàn ngành Tư pháp đã nỗ lực vượt khó, đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức công việc, bám sát tình hình phát triển KT-XH của đất nước, của từng địa phương, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép”, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong năm, các bộ, ngành đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 7 luật, nghị quyết và cho ý kiến với 5 dự án luật khác, đang gấp rút chuẩn bị 4 nội dung trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp bất thường; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 784 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Ở các địa phương, đã ban hành 3.619 VBQPPL cấp tỉnh, 1.891 VBQPPL cấp huyện, 2.588 VBQPPL cấp xã. Công tác quản lý nhà nước về hộ tịch, quốc tịch, chứng thực tiếp tục được tăng cường và có bước phát triển mạnh mẽ, nổi bật là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực hộ tịch…

Đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta.

Hội nghị cũng đã nghe đại biểu các bộ, ngành tham mưu chuyên đề về kinh nghiệm triển khai một số lĩnh vực công tác tư pháp và đề xuất của cơ quan tư pháp đối với cấp ủy, chính quyền địa phương trong quá trình phục hồi, phát triển KT-XH và phòng, chống dịch COVID-19; những đề xuất, kiến nghị của địa phương có liên quan đến các vấn đề tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng, trách nhiệm của toàn ngành Tư pháp, tổ chức pháp chế các bộ, ngành, cơ quan tư pháp địa phương; hoan nghênh tinh thần đóng góp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương. Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu cần tập trung nguồn lực thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022. Trong đó, nhấn mạnh nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng và thực thi pháp luật; bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, tình hình thực tiễn để nhanh chóng thể chế hóa, cụ thể hóa pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nút thắt về thể chế, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng viên trong hệ thống tư pháp. Tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu quả gắn với việc cơ cấu, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực phục vụ cho người dân, tăng cường phân cấp phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chủ động đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng thể chế. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tư pháp cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, ý kiến của Nhân dân, doanh nghiệp, tranh thủ trí tuệ của các nhà khoa học, các chuyên gia, xuất phát từ thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng và thực thi pháp luật, tất cả vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước.