Để Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh đã nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của các chính sách này. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện đã tiến hành đồng bộ, nghiêm túc, xác định đúng đối tượng, đúng quy định, tuyệt đối không để xảy ra sai sót, không để lợi dụng chính sách để trục lợi. UBND tỉnh cũng có nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện đảm bảo nguyên tắc hỗ trợ kịp thời, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, nhất là phát huy tính chủ động của các cấp, các ngành, địa phương trong triển khai thực hiện. Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ trên 90 tỷ đồng cho 64.484 lượt người dân theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và chi gần 62 tỷ đồng cho 25.382 lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ. Trong đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã tiếp nhận và thực hiện giảm mức đóng Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 18.756 lao động, với số tiền trên 5,8 tỷ đồng. Giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 2 đơn vị với 1.397 lao động, số tiền được giảm gần 7,4 tỷ đồng; phê duyệt chi cho các nhóm đối tượng (từ 3 đến 10) gần 23,6 tỷ đồng; chi hỗ trợ lao động tự do cho 31.351 lao động, số tiền gần 47 tỷ đồng… Để các chính sách hỗ trợ đến đúng tay các đối tượng một cách nhanh chóng và kịp thời, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, tiến hành rà soát, thẩm định để không một ai bị bỏ lại phía sau trong thời điểm này. Qua kết quả đã thực hiện, theo phản ảnh của nhiều người dân, chính sách hỗ trợ trên thực sự là nguồn động viên rất lớn, đáp ứng mong mỏi của hàng chục nghìn người dân tại địa phương bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, là một chính sách đi vào "lòng dân".
Hội Phụ nữ phường Đô Vinh (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm ) tặng quà cho các hộ nghèo bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Ảnh Văn Nỷ
Ngoài ra, thực hiện Quyết định số 1415/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch COVID - 19; UBND tỉnh đã kịp thời tổ chức tiếp nhận, phân bổ và cấp phát gạo cứu trợ cho 9.752 hộ, với 38.457 nhân khẩu theo đúng đối tượng, với số lượng 577,2 tấn. Song song đó, tỉnh cũng quan tâm đến hoàn cảnh của những công dân Ninh Thuận đang sinh sống tại các tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để hỗ trợ, giúp người dân ổn định cuộc sống. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Ban liên lạc đồng hương tỉnh tại TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức hỗ trợ cho gần 2.500 người, với số tiền gần 1,275 tỷ đồng cho các đối tượng là học sinh, sinh viên và lao động tự do thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, bảo trợ xã hội và người đi điều trị bệnh chưa trở về. Tổ chức đón 241 người là phụ nữ mang thai sắp sinh, phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 3 tuổi và người đi khám, điều trị bệnh bị kẹt tại TP.Hồ Chí Minh trở về tỉnh. UBND tỉnh còn tổ chức đón trên 10.000 lao động từ các tỉnh phía Nam tự trở về tỉnh, tổ chức cách ly, theo dõi y tế đảm bảo theo đúng quy định. Hỗ trợ cho 1.856 hộ nghèo thuộc địa phương thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với mức hỗ trợ 500.000 đồng/hộ, với kinh phí 928 triệu đồng trích từ Quỹ Vì người nghèo của các địa phương; hỗ trợ 700 suất quà cho 700 hộ có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, với mức quà 500.000 đồng/hộ, kinh phí trích từ Quỹ Phòng, chống COVID-19 của tỉnh. Cùng với đó, thông qua Quỹ cứu trợ phòng, chống COVID-19 do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh quản lý, đã hỗ trợ tiền ăn cho người dân không có khả năng chi trả khi bị cách ly y tế để phòng, chống dịch COVID-19; Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên, nhóm thiện nguyện, tổ chức, cá nhân vận động tổ chức “gian hàng 0 đồng”, bếp ăn từ thiện, bữa cơm miễn phí; hỗ trợ hàng chục ngàn tấn lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân và lực lượng tham gia tại các khu cách ly, khu phong tỏa, vùng bị giãn cách trên địa bàn tỉnh, với tổng giá trị trên 22 tỷ đồng. Để có nguồn lực trong phòng, chống dịch COVID-19, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng đã phát động Nhân dân ủng hộ 70,9 tỷ đồng, trong đó tiền mặt 25,1 tỷ đồng, hiện vật 45,8 tỷ đồng...Tất cả đó, đã lan tỏa những tấm lòng vì cộng đồng, cùng chung tay giúp người dân vượt qua khó khăn trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Có được những kết quả trên là nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành, địa phương và toàn bộ hệ thống chính trị đã khẩn trương vào cuộc, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Điểm đáng ghi nhận, để các chính sách nhanh chóng đến tay người dân, UBND tỉnh đã ủy quyền cho Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phê duyệt danh sách và kinh phí cho đối tượng lao động tự do đã giúp giảm bớt thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian. Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc các cấp cũng đã chủ động tổ chức các hoạt động giám sát, kiểm tra thông qua nội dung và các hình thức phù hợp; bám sát địa bàn cơ sở, phát huy vai trò của người dân trong giám sát việc hỗ trợ các chính sách trên địa bàn. Các sở, ngành, địa phương cũng đã chủ động phối hợp, triển khai tuyên truyền bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng, loa đài truyền thanh địa phương, trên các trang mạng xã hội để hướng dẫn người dân biết thực hiện chế độ, chính sách theo đúng tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Nhật Nguyên