Nguy cơ xuất hiện những biến thể mới của SARS-CoV-2 nếu không giải quyết bất bình đẳng về vaccine

Thế giới vẫn đang loay hoay giải quyết vấn đề bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 và đang xa rời mục tiêu bao phủ vaccine cho khu vực Nam bán cầu. Tình hình này dẫn đến nguy cơ làm xuất hiện những biến thể mới nguy hiểm hơn của virus SARS-CoV-2. Đây là cảnh báo mới nhất của giới chuyên gia y tế trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan mạnh ở các nước.

Ngay từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều tổ chức y tế đã nhấn mạnh rằng biện pháp duy nhất để vượt qua đại dịch COVID-19 là tiêm chủng cho toàn thế giới.

Trong trả lời phỏng vấn mới đây với National Public Radio (NPR- một tổ chức truyền thông phi chính phủ của Mỹ), ông Madhukar Pai, Giáo sư thuộc Khoa dịch tễ học và thống kê sinh vật học tại Đại học McGill, cho hay những phản ứng ban đầu của thế giới trước sự xuất hiện của biến thể Omicron cho thấy mục tiêu trên còn rất xa vời. Ông nhấn mạnh thế giới đang “loay hoay” trong cách ứng phó đại dịch, và việc biến thể Delta gây ra làn sóng dịch nghiêm trọng tại Ấn Độ cho thấy việc để virus lây lan không kiểm soát trong dân số là một ý tưởng “thảm họa”. Theo vị giáo sư này, nếu hàng tỷ vật chất của virus sinh sôi phát triển trên hàng triệu con người, sẽ còn có thêm nhiều biến thể của virus, mang theo nhiều đột biến.

Hình ảnh từ kính hiển vi do Viện nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia Mỹ cung cấp cho thấy các phần tử virus SARS-CoV-2 trong mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân mắc COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Giáo sư Pai, tình trạng bất bình đẳng về vaccine vẫn tiếp diễn khi biến thể Omicron xuất hiện. Mỹ và một số quốc gia giàu có khác đang thúc đẩy chiến dịch tiêm mũi tăng cường vaccine, trong khi đó mới chỉ 7% dân số châu Phi đã tiêm đủ liều. Ông Pai ủng hộ việc tiêm mũi tăng cường cho người cao tuổi và những người có bệnh lý nền, song cho rằng việc tiêm mũi bổ sung cho người trẻ tuổi và người trưởng thành khỏe mạnh sẽ khoét sâu tình trạng bất bình đẳng này.

Mặt khác, một số chuyên gia nhận định vấn đề không phải là tiêm mũi tăng cường, mà là việc các nước tích trữ vaccine đã dẫn đến sự bất bình đẳng trên. Các quốc gia giàu có hơn đang mua vaccine nhiều hơn so với số lượng cần, bao gồm cả mũi tăng cường, trong khi không phải tất cả các liều vaccine dư thừa đều được viện trợ cho các nước khác.

COVAX, cơ chế đảm bảo phân phối bình đẳng vaccine toàn cầu do WHO dẫn đầu, được khởi động từ đầu năm 2020 với mục tiêu cung cấp hàng tỷ liều vaccine cho người dân ở phía Nam địa cầu và người dân trên thế giới trước giữa năm 2022. Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreysus, cho đến nay, COVAX mới chỉ cung cấp 600 triệu liều cho các nước, thấp hơn nhiều so với mức cam kết 2 tỷ liều vào cuối năm nay.

WHO cũng đã đặt mục tiêu tiêm chủng cho 40% dân số thế giới vào cuối năm 2021, nhưng tại một cuộc họp hồi giữa tháng 11, nhà khoa học của WHO, Tiến sĩ Soumya Swaminathan, cho biết hơn 100 quốc gia chưa thể hoàn thành mục tiêu tiêm chủng. Ông Adhanom Ghebreysus nhấn mạnh WHO đã cảnh báo nhiều lần rằng chừng nào sự bất bình đẳng về vaccine còn tồn tại, thì "virus càng có nhiều cơ hội lây lan và đột biến theo những cách mà không ai có thể ngăn chặn hoặc dự đoán được”. Biến thể Omicron là một ví dụ.

Mới đây, COVAX đã thông báo nguồn cung vaccine được củng cố thêm nhờ Viện Huyết thanh của Ấn Độ nối lại xuất khẩu và việc Trung Quốc bổ sung thêm 1 tỷ liều vaccine cho châu Phi. Tuy nhiên Giáo sư Pai đánh giá các khoản viện trợ này là "nhỏ giọt" so với mức cần thiết để thực sự chấm dứt đại dịch và ngăn chặn các biến thể mới nguy hiểm hơn xuất hiện. Ông cũng cho rằng bên cạnh việc các nước giàu tăng cường viện trợ vaccine, các nhà sản xuất chế phẩm này cần mở rộng sản xuất, miễn áp dụng quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine và liệu pháp điều trị COVID-19, chuyển giao công nghệ cho các hãng dược phẩm khác trên toàn thế giới.

Theo TTXVN/Báo Tin tức