Đặc biệt, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIII) về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) miền núi giai đoạn 2016-2020, giáo dục ở vùng DTTS&MN tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, mạng lưới trường lớp được quy hoạch phù hợp, chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học ngày càng được nâng cao.
Trường THPT Phan Bội Châu (Thuận Bắc) được đầu tư khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập
cho học sinh địa phương. Ảnh: Hồng Lâm
Trong 5 năm đã đầu tư mới 2 trường dân tộc nội trú, với kinh phí 79,48 tỷ đồng, đầu tư xây mới 138 phòng học kinh phí 146,34 tỷ đồng. Đến nay, 100% xã vùng DTTS&MN có trường THCS, trường tiểu học; hầu hết các xã có trường, lớp mầm non; có 5 trường phổ thông dân tộc nội trú, 11 trường phổ thông dân tộc bán trú; 100% xã đạt chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1, phổ cập giáo dục THCS và phổ cập mầm non 5 tuổi; 100% xã vùng DTTS&MN đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ theo Nghị định số 20/2014/NĐ-CP của Chính phủ; có 46 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó 36 trường (THPT; THCS; TH) và 10 trường mầm non. Nguồn nhân lực là người DTTS 2.010 người, chiếm tỷ lệ 20,95% trong ngành GD&ĐT. Thường xuyên duy trì số lượng và nâng cao chất lượng giáo dục trẻ em, học sinh DTTS ở các cấp học, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nghỉ học cách nhật. Công tác giáo dục định hướng nghề nghiệp được triển khai từ cấp phổ thông, mô hình trường bán trú tại cấp mầm non, tiểu học, THCS được triển khai ngày càng hiệu quả, tạo điều kiện để các em học sinh tại vùng sâu, vùng xa yên tâm học tập...
Ngành GD&ĐT tập trung nhiều giải pháp để dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS từ cấp mầm non đến cấp tiểu học theo các đề án, kế hoạch của Chính phủ, tỉnh; duy trì dạy học tiếng Chăm tại 24 trường tiểu học thuộc các huyện, thành phố (trừ huyện Bác Ái); triển khai biên soạn sách học tiếng Raglai và đưa vào dạy thí điểm tại các huyện Bác Ái và Thuận Bắc từ tháng 1-2020 theo chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Thực hiện kịp thời và có hiệu quả chính sách hỗ trợ học sinh vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, bao gồm chính sách học bổng; miễn, giảm học phí; trợ cấp xã hội, hỗ trợ học tập; chính sách ưu tiên tuyển sinh vào đại học, cao đẳng; chính sách phát triển giáo dục đối với các DTTS... đang được thực hiện. Trong 5 năm đã miễn, giảm học phí thực hiện cho 89.835 học sinh, với tổng kinh phí 41,84 tỷ đồng; hỗ trợ chi phí học tập cho 59.496 em, kinh phí thực hiện 35,56 tỷ đồng... Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục được hưởng các chính sách ưu đãi đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục miền núi, tạo sự chuyển biến nhanh về chất lượng giáo dục; nâng cao mặt bằng dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, góp phần ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững KT-XH ở vùng đồng bào DTTS&MN.
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh xác định việc tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS&MN là điều kiện tiên quyết để nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực nhằm góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh vùng DTTS&MN nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung. Nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS&MN ở các cấp học, bậc học là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp thiết và lâu dài, cần có sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Đảm bảo 100% số trường, lớp học vùng DTTS&MN được xây dựng kiên cố; 100% các xã miền núi, vùng DTTS giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; thanh thiếu niên từ 15 tuổi trở lên là người DTTS phải được đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông...
Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh tập trung tăng nguồn đầu tư cho công tác phát triển giáo dục; phối hợp đồng bộ giữa chính sách của Đảng và Nhà nước với hoạt động của ngành Giáo dục và sự đóng góp của toàn dân cho sự nghiệp giáo dục vùng đồng bào DTTS&MN. Rà soát, quy hoạch hệ thống mạng lưới trường, lớp, cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện của vùng DTTS&MN. Thực hiện việc sắp xếp hệ thống trường, lớp ở các bậc học, cấp học theo hướng chuẩn hóa. Phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đảm bảo đủ về số lượng, chuẩn về nghề nghiệp, hợp lý về cơ cấu, tăng cường giáo viên là người DTTS&MN. Đào tạo đội ngũ giáo viên là người DTTS có trình độ cả về sư phạm và kiến thức cho từng vùng, từng dân tộc. Xây dựng chế độ đãi ngộ và sử dụng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phù hợp với yêu cầu thực tiễn để họ yên tâm với nghề nghiệp, gắn bó với địa phương. Đồng thời, tăng cường việc bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng DTTS; đổi mới sinh hoạt chuyên môn, chú trọng hình thức sinh hoạt chuyên môn theo cụm, khối, tổ, nhóm, tập trung và qua mạng. Đảm bảo chính sách hỗ trợ đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục vùng đồng bào DTTS&MN. Thực hiện tốt các chính sách của trung ương đã và sắp ban hành liên quan đến giáo dục miền núi; sửa đổi, bổ sung những chính sách đã ban hành nhưng không còn phù hợp với thực tế hiện nay; nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách mới đặc thù của tỉnh về hỗ trợ cho giáo viên, học sinh, cán bộ quán lý giáo dục, đầu tư cho giáo dục miền núi.
Anh Kiệt