Theo đó, cấu trúc, nội dung Tài liệu giáo dục địa phương lớp 6 gồm 16 bài học xoay quanh 7 chủ đề: Chủ đề 1: Đặc trưng văn hóa Ninh Thuận: Văn học, một số lễ hội và loại hình nghệ thuật truyền thống; Chủ đề 2: Một số đặc trưng về phong tục, tập quán cư dân Ninh Thuận; Chủ đề 3: Ninh Thuận từ thời nguyên thuỷ đến thế kỷ X; Chủ đề 4: Địa lí tự nhiên; Chủ đề 5: Các ngành nghề, làng nghề truyền thống; Chủ đề 6: Khái quát chung về hệ thống chính trị - xã hội địa phương; Chủ đề 7: Ứng phó với biến đổi khí hậu. Mỗi chủ đề, bài học được thiết kế thành các hoạt động học tập gồm: Mở đầu - Kiến thức mới - Luyện tập - Vận dụng.
Mục đích biên soạn Tài liệu giáo dục địa phương lớp 6 nhằm cụ thể hóa nội dung giáo dục địa phương trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng thời, nhằm giúp học sinh lớp 6 có những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế- xã hội, môi trường,... của địa phương Ninh Thuận. Từ đó bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề trong cuộc sống.
Ngành Giáo dục tỉnh Ninh Thuận sẽ chỉ đạo tổ chức triển khai dạy cho học sinh lớp 6 từ năm học 2021-2022 ở tất cả các trường có cấp học trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo./.
Anh Minh