Dự điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí: Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh; Trần Minh Lực, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và các đại biểu của Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh.
Các đồng chí: Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự tại điểm cầu tại tỉnh ta.
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe báo cáo một số nội dung cơ bản của Đề án. Theo đó, Đề án được Bộ Chính trị thông qua, Đảng đoàn Quốc hội đã xác định mục tiêu, quan điểm chỉ đạo đối với công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV; đề xuất 8 nhóm định hướng lớn và 70 định hướng cụ thể cần tập trung thực hiện; 137 nhiệm vụ lập pháp cần nghiên cứu, rà soát để báo cáo Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các luật, nghị quyết trong nhiệm kỳ 2021 - 2026; thứ tự ưu tiên và các giải pháp thực hiện, bảo đảm tính khả thi. Mục tiêu của công tác xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, tạo lập khuôn khổ pháp lý để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2025; 12 định hướng phát triển đất nước, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược đã được Đại hội XIII của Đảng đề ra.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc xây dựng đồng bộ thể chế pháp luật có ý nghĩa quan trọng và là khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội đã được Đại hội XIII của Đảng đề ra. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan trung ương và địa phương cần tập trung, sớm triển khai Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; tiếp tục xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, đảm bảo tính khả thi, công khai, minh bạch; tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về các thể chế, ứng phó kịp thời với phòng chống COVID-19; đồng thời đẩy mạnh phát triển công nghệ số. Nhằm khơi thông nguồn lực và đảm bảo phát triển kinh tế, an sinh xã hội và an ninh chính trị quốc gia. Đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương trong công tác xây dựng pháp luật. Thường xuyên rà soát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ lập pháp bảo đảm phù hợp với đường lối Đại hội XIII của Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Hồng Nguyệt