Tại hội thảo, các đại biểu đóng góp 14 ý kiến tập trung một số nội dung chính: Làm rõ một số khái niệm, đảm bảo tính đồng nhất; xem xét phân cấp, phân quyền, có cơ chế mở trong xây dựng một số nội dung, trao tính chủ động và quyền quyết định cho các địa phương trong quá trình thực hiện các dự án để phù hợp với thực tiễn; xem xét nâng định mức đầu tư cho các dự án; lược bớt một số nội dung để thông tư ban hành được ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện; sớm tổ chức tập huấn cho cán trực tiếp tham gia quá trình thực hiện dự án, tiểu dự án. Đồng thời, đề nghị có hướng dẫn cụ thể về quy trình lập kế hoạch, thanh quyết toán, hoàn thiện số liệu, báo cáo …
Các đại biểu tham dự Hội thảo tại điểm cầu tỉnh ta.
Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh: Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030, Ủy ban Dân tộc được giao nhiệm vụ quản lý 4 dự án và 3 tiểu dự án. Để quá trình triển khai diễn ra thuận tiện, Ủy ban Dân tộc đã ban hành 2 dự thảo thông tư hướng dẫn gồm 7 chương, 92 điều. Việc sớm hoàn thiện 2 thông tư hướng dẫn, đưa vào thực hiện sẽ có tác động tích cực đến đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Do đó, đề nghị sau hội thảo này, các địa phương tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng các nội dung thông tin dự thảo đã đưa ra để sớm có ý kiến góp ý thêm bằng văn bản. Đối với Ban soạn thảo, cần tiếp thu, phân tích kỹ lưỡng, thấu đáo các ý kiến để phân thành từng nhóm; xây dựng bố cục thông tư hợp lý, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ làm. Đồng thời, tiếp tục cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện, đảm bảo tính hợp hiến, hơp pháp và sự thống nhất của Thông tư với các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đã ban hành trước đó, phấn đấu trong năm 2022 sẽ bắt đầu triển khai các dự án và tiểu dự án.
Hà Anh