Đại dịch COVID-19 sẽ kết thúc vào thời điểm tất cả các quốc gia trên thế giới bắt đầu sử dụng các công cụ y tế sẵn có một cách hiệu quả. Chúng ta nắm giữ trong tay thời điểm chấm dứt đại dịch. Đây là thông điệp do Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tại Hội nghị Thượng đỉnh Y tế Thế giới diễn ra ở Berlin (Đức), ngày 24-10.
“Đại dịch sẽ kết thúc vào thời điểm thế giới lựa chọn kết thúc nó. Điều này nằm trong tay chúng ta. Chúng ta đã có mọi công cụ mà chúng ta cần thiết, gồm cả các công cụ y tế công cộng cho đến các công cụ y học hiệu quả. Song thế giới đã không sử dụng các công cụ này hiệu quả. Với số người tử vong lên tới hơn 50.000 ca mỗi tuần, đại dịch này còn lâu mới tới hồi kết” – Tiến sỹ Ghebreyesus nhấn mạnh.
Từ những lập luận trên, người đứng đầu WHO kêu gọi nhóm 20 nền kinh tế lớn trên thế giới (G20) – mà cho tới nay đã chủng ngừa cho 40% dân số của họ, cần tích cực tham gia vào cơ chế COVAX và Quỹ mua lại vaccine châu Phi (AVAT). Đây là 2 cơ chế nhằm thúc đẩy việc phát triển, sản xuất, tiếp cận công bằng với các phương thức xét nghiệm, chữa trị và vaccine tại tất cả các quốc gia trên thế giới.
Đồng quan điểm trên, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cùng ngày cũng kêu gọi các nước G20 đóng góp khoảng 8 tỷ USD cho chương trình phân phối công bằng vaccine COVID-19 trên toàn cầu.
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Y tế thế giới tại Berlin (Đức), người đứng đầu Liên hợp quốc chỉ ra thực tế rằng hiện có tới 3/4 số lượng vaccine thuộc về các nước có thu nhập cao và trên trung bình, đồng thời chủ nghĩa dân tộc trong vấn đề vaccine đang khiến cả thế giới ở trong tình trạng nguy hiểm. Thế giới cần có ngay khoảng 8 tỷ USD dành cho công tác đảm bảo phân phối vaccine công bằng và các nước G20 hãy ủng hộ để hiện thực hóa điều này.
Nhân sự kiện này, Tổng thư ký Liên hợp quốc nhắc lại, vào đầu tháng 10-2021, ông đã cùng Giám đốc WHO phát động chiến lược vaccine COVID-19 toàn cầu, trong đó hoạch định một kế hoạch mang tính khả thi và hiệu quả về mặt chi phí nhằm cung cấp vaccine cho khoảng 40% người dân các nước từ nay đến cuối năm và cho khoảng 70% dân số toàn cầu vào giữa năm 2022.
Lời kêu gọi trên được các đại diện WHO và Liên hợp quốc đưa ra trong bối cảnh cuộc chạy đua của con người trước virus SARS-CoV-2 vẫn chưa đi tới hồi kết, cùng với sự xuất hiện của các biến thể “gây chết chóc” mới của virus. Tính đến chiều 25-10, thế giới có gần 244,5 triệu ca nhiễm COVID-19, với gần 5 triệu ca tử vong. Trong khi đó, số người được chủng ngừa ít nhất một mũi vaccine mới chỉ chiếm 48,5% dân số thế giới, với gần 3% dân số tại các nước có thu nhập thấp.
Theo Báo điện tử ĐCSVN