Đồng hành cùng doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh

Trước tác động của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề và khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng DN phục hồi sản xuất, tạo đà phát triển trong thời gian tới, UBND tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp kịp thời, hiệu quả.

Nhiều giải pháp thực hiện “mục tiêu kép”

Trong 9 tháng năm 2021, tỉnh ta đã bám sát tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt, kịp thời nhiều giải pháp đồng bộ thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Đồng thời, triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, DN, HTX, hộ kinh doanh. Đến nay, đã tiếp nhận và thực hiện giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 16.975 lao động/4.850 triệu đồng; Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân vốn vay 459 triệu đồng cho 134 lao động của 6 đơn vị, hỗ trợ tạm dừng đóng các khoản bảo hiểm, xác nhận ngừng việc cho người lao động theo quy định. Các tổ chức tín dụng cũng đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho các DN, HTX, hộ kinh doanh, qua đó thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 244 DN, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với tổng giá trị nợ là 279 tỷ đồng, giảm lãi vay với số tiền 1,7 tỷ đồng; thực hiện giảm lãi suất từ 0,5-1,5% đối với dư nợ cho vay hiện hữu, cho vay mới đối với các khoản vay phát sinh từ trước 15-7-2021. Về hỗ trợ gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, tính đến nay tổng số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn là 129,347 tỷ đồng, đã thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng cho DN với số tiền 400,24 tỷ đồng/15 hồ sơ, giảm thuế thu nhập DN phải nộp năm 2020 đối với DN, HTX, đơn vị sự nghiệp, tổ chức khác là 12,889 tỷ đồng. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh cơ bản ổn định, có nhiều mặt chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng GRDP 9 tháng đầu năm đạt 9,45%, đứng thứ 5 về tốc độ tăng trưởng so với cả nước.

Sản phẩm măng tây xanh của Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận. Ảnh: Phan Bình

Tuy nhiên, sau đợt dịch thứ tư bùng phát ở các tỉnh phía Nam và các tỉnh lân cận, xuất hiện các ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh, phải thực hiện giãn cách xã hội, các DN, HTX, hộ kinh doanh vốn đã khó khăn, tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề và đang trong điều kiện rất khó khăn trong việc tổ chức sản xuất, kinh doanh, sức chống chịu tiếp tục suy giảm. Tính đến hết tháng 9, toàn tỉnh có 272 DN thành lập mới, tổng vốn đăng ký 2.313 tỷ đồng, giảm 47,8% số DN so với cùng kỳ, vốn đăng ký giảm 39,3% cùng kỳ; nâng tổng số DN đang hoạt động đến nay có 3.749 DN, với tổng vốn đăng ký 74.326 tỷ đồng. Số DN mới giảm sâu so cùng kỳ chủ yếu ở một số lĩnh vực như: Sản xuất điện giảm 96,7%, dịch vụ tư vấn, thiết kế giảm 56,1%. Số DN đăng ký giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng 44,6% so cùng kỳ. Trong đó, có 45 DN đã ngừng hoạt động năm 2020, nay tiếp tục đăng ký tạm ngừng trong năm 2021. Hầu hết các DN tạm ngừng hoạt động chủ yếu là DN có quy mô nhỏ, DN mới thành lập, kinh doanh thương mại, dịch vụ, lưu trú. Những con số trên cho thấy dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trên địa bàn tỉnh.

Đồng hành với doanh nghiệp

Những khó khăn, thách thức mà hiện nay nhiều DN, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh phải đối mặt, đó là: Tổng cầu giảm mạnh khiến các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng đều sụt giảm. Doanh thu của DN giảm mạnh khiến dòng tiền vào bị thiếu hụt nghiêm trọng dẫn đến gặp khó khăn trong việc trang trải các khoản chi phí duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, đội chi phí giá thành sản xuất. Chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ, khó khăn về tiếp cận các chính sách hỗ trợ...

Ông Tài Chí Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Global Cashew Links, ở phường Mỹ Bình (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), cho biết: Công ty chúng tôi chuyên chế biến, sản xuất và xuất khẩu hạt điều. Mỗi năm Công ty xuất hơn 250 tấn điều sang các nước châu Âu, châu Á mà chủ yếu là Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh nên Công ty vẫn chưa xuất hàng được, hiện đang sản xuất cầm chừng. Để đảm bảo phòng, chống dịch, Công ty cho nhân viên đi làm 50% quân số. Mỗi tháng Công ty phải trích ra hơn 200 triệu để chi trả lương cho nhân viên, cùng với các chi phí điện nước, thuế, tiền lãi ngân hàng... thật sự rất khó khăn, chỉ mong được các cơ quan, ban, ngành quan tâm giảm lãi vay, khoanh nợ gốc tạm thời để giảm một phần áp lực cho Công ty trong thời điểm hiện tại, yên tâm sản xuất.

Công nhân Công ty TNHH Global Cashew Links chế biến hạt điều.

Nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh do phần lớn công nhân, lao động chưa tiêm vắc xin COVID-19, nguy cơ rủi ro trở thành ổ dịch khi có ca nhiễm. Ông Võ Duy Chung, Giám đốc nhân sự Chi nhánh Công ty TNHH Thông Thuận, chia sẻ: Do ảnh hưởng dịch bệnh trong khi sản xuất bị giảm sút, nhiều đơn hàng phải gác lại hoặc bị mất, thì các chi phí cho DN đảm bảo hoạt động lại tăng vọt và đang tạo áp lực lớn như: Chi phí xét nghiệm cho người lao động, chi phí trả thêm lương cho công nhân ở lại nhà máy tăng 30-50%, chi phí điện sản xuất và duy trì kho đông lạnh và đặc biệt thời gian này DN gặp khó khăn về phí cước tàu biển liên tục tăng từ 2 đến 10 lần tùy tuyến châu Á, châu Âu hay châu Mỹ... Là DN xuất khẩu buộc hoạt động sản xuất không bị đứt gãy, nếu đứt gãy ảnh hưởng một số hệ lụy như nợ ngân hàng, nợ nhà cung cấp, mất khách hàng... Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, sự lây lan nhanh chóng của biến chủng mới khó lường, việc chủ động sẵn sàng sống chung với dịch bệnh Công ty cũng đã xây dựng chiến lược phát triển, phục hồi sản xuất trong bối cảnh mới, vì vậy sự cần thiết số một và mong muốn hiện nay là 100% người lao động làm việc tại Công ty được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin.

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN, hỗ trợ DN duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội trong tình hình dịch COVID-19, hiện nay UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, HTX, hộ kinh doanh, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Bên cạnh đó, tổ chức các hội nghị gặp mặt DN để lắng nghe, chia sẻ và quyết tâm tháo gỡ, giải quyết đến cùng những khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Tuy đại dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng cộng đồng DN, HTX, hộ kinh doanh đã nêu cao tinh thần chia sẻ đồng hành cùng tỉnh nhà, nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh và việc làm cho người lao động. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương đồng hành để lắng nghe, tháo gỡ các khó khăn cho DN, HTX, hộ kinh doanh. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp để đảm bảo, vừa phòng, chống dịch, vừa tạo điều kiện duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế. Đẩy mạnh công tác tiêm vắc xin cho người lao động cả trong và ngoài khu, cụm công nghiệp. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong các tầng lớp Nhân dân để lan tỏa việc kiểm soát dịch, thích ứng với dịch bệnh trong trạng thái mới, sớm ổn định sản xuất, kinh doanh, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.