Những năm qua, công tác quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn huyện Ninh Hải có nhiều chuyển biến tích cực và đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Qua đó, công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đi vào nền nếp. Công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất được quan tâm, chỉ đạo. Tính từ năm 2013 đến năm 2020 trên địa bàn huyện có 36 dự án đã và đang triển khai, với tổng diện tích thu hồi 110,19ha/894 hộ, tổng kinh phí bồi thường 167,79 tỷ đồng; đến nay đã chi trả 163,15 tỷ đồng và bố trí đất ở cho 94 hộ. Đến hết năm 2020, toàn huyện cấp được 3.118.440,46m2/2.692 thửa/2.674 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; công tác kê khai đăng ký đất đai tại các xã, thị trấn đã thực hiện đạt 97% so với số thửa và diện tích. Nhận thức pháp luật về khoáng sản của đông đảo tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp dần được nâng lên, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn huyện. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ người dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh trên địa bàn nông thôn đạt 99,59%; công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt không tiếp đất được chú trọng, không để tình trạng rác thải tồn đọng, vệ sinh môi trường được đảm bảo.
Tổ khảo sát số 2 của Tỉnh ủy làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh.
* Thực hiện Nghị quyết và Chương trình hành động của Tỉnh uỷ, Sở Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng các kế hoạch để cụ thể hoá và tổ chức thực hiện đồng bộ. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, góp phần nâng cao nhận thức trong việc quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên đối với cán bộ, công chức cũng như người dân. Những năm qua, diện tích rừng và đất lâm nghiệp nằm trong 3 loại rừng được quản lý, bảo vệ và hạn chế tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Theo đó, diện tích quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh đến năm 2020 là 198.126,98ha và đến năm 2025 là 190.957,71ha. Công tác phát triển lâm nghiệp ngày càng được quan tâm, đầu tư, mang lại những hiệu quả và giá trị thiết thực, giúp duy trì và nâng cao độ che phủ rừng, tạo điều kiện phát triển dân sinh mang lại thêm thu nhập cho người dân, từng bước gắn chặt quyền và lợi ích của người dân với hoạt động lâm nghiệp, tạo sinh kế bền vững dần cải thiện phương thức canh tác lạc hậu của người dân miền núi, góp phần tạo thêm thu nhập cho người dân. Từ năm 2016 đến năm 2020, tổng diện tích đã chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất rừng sang mục đích khác 521,46 ha/21 dự án. Hàng năm Sở phối hợp với các lực lượng tổ chức kiểm tra, truy quét tại các vùng giáp ranh, khu vực trọng điểm phá rừng và các trục lộ giao thông trên địa bàn tỉnh, qua đó phát hiện 3.093 vụ vi phạm pháp luật lâm nghiệp, thu nộp ngân sách trên 8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công tác theo dõi biến động đất lúa, đất lâm nghiệp và bảo vệ môi trường được thực hiện đồng bộ, chặt chẽ, góp phần ổn định tình hình quản lý đất trồng lúa trong sản xuất nông nghiệp, hạn chế tác động xấu đến môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tổ khảo sát số 2 của Tỉnh ủy làm việc với Huyện ủy Ninh Hải.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao kết quả mà huyện Ninh Hải và Sở Nông nghiệp và PTNT đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, đề nghị ngành, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, môi trường; quan tâm hơn về nhu cầu đất ở cho người có công và người thu nhập thấp; tăng cường thanh tra, kiểm tra trong công tác quản lý đất đai; chú trọng quy hoạch quản lý khoáng sản, tài nguyên môi trường, đặc biệt là tài nguyên biển và rừng; kiện toàn đội ngũ cán bộ, nâng cao trình độ năng lực trong quản lý đất đai; xây dựng kịch bản chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức về quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Hồng Nguyệt