Nhìn tổng thể bức tranh kinh tế của tỉnh 9 tháng qua cho thấy trong bối cảnh có nhiều khó khăn, nhất là bị tác động của đại dịch COVID-19, nhưng UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp vừa tích cực phòng, chống dịch COVID-19, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển. Nhờ vậy tình hình dịch bệnh trong tỉnh cơ bản được kiểm soát, kinh tế - xã hội tiếp tục ổn định, một số lĩnh vực có chuyển biến tích cực và giữ vững đà tăng trưởng. Tổng giá trị sản xuất toàn tỉnh ước đạt 32.554 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 8,9%; công nghiệp - xây dựng tăng 10,4%; dịch vụ tăng 1%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt 3.319 tỷ đồng, bằng 85,1% kế hoạch; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 25.835 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ, đạt 97,5% kế hoạch năm...
Agribank Ninh Thuận đẩy mạnh các biện pháp cho vay tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn cho phục hồi sản xuất
và phát triển kinh tế địa phương. Ảnh: P.Bình
Góp phần tạo gam màu sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh, trước tiên phải kể đến lĩnh vực công nghiệp, với chỉ số phát triển tăng 32,6% so với cùng kỳ. Trong đó lĩnh vực năng lượng tái tạo phát huy hiệu quả, đóng góp lớn cho tăng trưởng chung của tỉnh, đạt sản lượng trên 4.786 triệu kWh, tăng 53,5% so với cùng kỳ. UBND tỉnh đã tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án động lực như: Cảng biển tổng hợp Cà Ná giai đoạn 1; các dự án điện gió, điện mặt trời; Khu công nghiệp Cà Ná; Dự án Tổ hợp Điện khí LNG Cà Ná... Qua thống kê, từ đầu năm đến nay đã thi công 15 dự án năng lượng tái tạo, với tổng công suất 717 MW; hoàn thành 5 dự án, với công suất 296,2 MW; đang triển khai thi công 9 dự án, với công suất 457 MW (7 dự án điện gió/398,8 MW; 2 dự án thủy điện/30 MW) dự kiến đến tháng 11-2021 sẽ hoàn thành hòa lưới điện quốc gia, tăng thêm nguồn lực kinh tế cho tỉnh. Về đầu tư phát triển, tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác giải ngân vốn đầu tư công; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án trọng điểm. Đã thành lập 4 Tổ công tác thường xuyên nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từng chủ đầu tư, từng dự án. Đến đầu tháng 9, toàn tỉnh giải ngân được 894,7 tỷ đồng, đạt 49,3% kế hoạch; dự kiến đến cuối tháng 9, giải ngân đạt 60% kế hoạch phân bổ trong năm 2021. Ngoài ra, trong 9 tháng, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư và chấp thuận địa điểm cho 33 dự án, với số vốn 35.909 tỷ đồng.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của Nhân dân, nhưng với sự nỗ lực của các ngành, các cấp, địa phương và Nhân dân trong tỉnh, sản xuất nông nghiệp giữ ổn định, đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Điểm nổi bật, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đột phá trong cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý; các mô hình cánh đồng lớn gắn với các chuỗi liên kết sản xuất tiếp tục được nhân rộng. Quy mô sản xuất tăng, diện tích sản xuất vụ đông - xuân và hè - thu đạt 57.337 ha, vượt 3,1% kế hoạch, tăng 21% so với cùng kỳ. Lĩnh vực khai thác hải sản tiếp tục được duy trì, tổng sản lượng khai thác 9 tháng đạt 112.375,9 tấn, tăng 4% so với cùng kỳ. Sản xuất tôm giống tiếp tục giữ vững thương hiệu, thị trường tiêu thụ và có tăng trưởng, đạt sản lượng 33 tỷ con, tăng 4,4% so với cùng kỳ. Các chính sách phát triển thủy sản tiếp tục thực hiện đạt kết quả tích cực, tạo động lực cho ngư dân vươn khơi, bám biển. Hoạt động xuất khẩu tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ tận dụng các cơ hội từ Hiệp định EVFTA nên tiếp tục duy trì mức tăng trưởng; trong 9 tháng đạt 89,2 triệu USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ là những điểm sáng đáng ghi nhận.
Nông dân huyện Ninh Sơn thu hoạch lúa hè - thu. Ảnh: VM
Đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế còn phải kể đến hoạt động của hệ thống ngân hàng đã đẩy mạnh các biện pháp huy động vốn và cho vay tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn cho phục hồi sản xuất và phát triển kinh tế tại địa phương; nhất là các giải pháp hỗ trợ về tín dụng đối với DN, hộ kinh doanh bị thiệt hại bởi dịch COVID-19. Đến nay, các ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định cho 223 khách hàng, với tổng giá trị 296 tỷ đồng. Ngoài ra, để giúp các DN và hộ kinh doanh, hộ gia đình phục hồi sản xuất, phát triển kinh doanh, các ngân hàng đã cho vay mới với doanh số đạt 12.273 tỷ đồng. Trong đó, cho DN vay mới 5.124 tỷ đồng; cho là hộ kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân vay mới 7.150 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay cho 11 khách hàng vay, với số tiền là 1,7 tỷ đồng...
Dự báo trong những tháng cuối năm tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy cơ cao, hoạt động DN chưa kịp phục hồi là những khó khăn lớn mà tỉnh tiếp tục phải đối mặt. Vì vậy để khắc phục khó khăn, tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế, trước tiên cần thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả; phấn đấu đạt mục tiêu cả tỉnh là “vùng xanh”, sớm trở về trạng thái “bình thường mới” có điều kiện để phục hồi phát triển kinh tế. Song song đó, cần tập trung rà soát, đánh giá lại chỉ tiêu còn khó khăn, các ngành còn dư địa cho tăng trưởng để đề ra các giải pháp đột phá, đảm bảo thực hiện cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 đã đề ra.
Nhật Nguyên