Ông Lưu Thanh nguyên là Giám đốc trại tù binh biên giới Cao Bằng những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm nay ông đã bước sang tuổi 86, song trong ký ức của người lính già đầu bạc ấy vẫn còn vẹn nguyên kỷ niệm về lần được gặp Bác Hồ ở Mặt trận Đông Khê cách đây vừa tròn 60 năm…
Bác Hồ tại Mặt trận Đông Khê 1950. (ảnh TL)
Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, từ vị trí Uỷ viên Uỷ ban Hành chính huyện Văn Lâm (Hưng Yên), tôi chuyển ngành sang làm phái viên chính trị Trung đoàn 36 của địa phương, rồi được điều động lên Trung ương làm công tác vận động binh lính địch và được cử làm Phó ban Địch vận Mặt trận Biên giới (1950). Trưởng ban là anh Lưu Quyên. Công việc của đội ngũ cán bộ địch vận chúng tôi lúc ấy là tiếp nhận, quản lý và giúp trên trao trả một số lượng lớn tù binh cho phía Pháp sau chiến dịch Biên giới.
Hồi đó, quân ta giải về từng đoàn tù binh, trong khi Trại tù binh biên giới mới thành lập còn thiếu thốn mọi bề. Để phục vụ cho chiến dịch Biên giới, nhân dân các dân tộc trên địa bàn Cao Bằng đã phải thắt lưng buộc bụng, chắt chiu từng hạt gạo để phục vụ cách mạng, và khi chiến dịch kết thúc, người dân địa phương lại phải gánh thêm một nhiệm vụ nặng nề khác, đó là san sẻ lương thực, thực phẩm và cả nhà ở trong các bản làng cho hàng ngàn “Tây trắng”, “Tây đen” mới hôm trước còn là kẻ thù.
Sau khi ta tiêu diệt đồn Đông Khê (Cao Bằng) và bắt sống tên Trưởng đồn là quan ba A-li-úc, một đơn vị của đại đoàn 308 được lệnh áp giải tù binh khoảng 150 tên về phía sau. Hôm ấy, anh Lê Liêm - Cục trưởng Cục Chính trị kiêm Chính uỷ Mặt trận Đông Khê gọi tôi đến giao nhiệm vụ: Đến ngay Phòng cung cấp của Mặt trận lấy chè, đường, thuốc lá để úy lạo tù binh trước khi giải chúng về hậu phương. Anh Liêm còn dặn: Anh Văn (tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp) sẽ đến gặp tù binh, có thể cả Bác Hồ cũng đến nữa. Anh còn dặn, lúc gặp Bác thì không được chào hỏi để bảo đảm bí mật.
Ông Lưu Thanh
Tôi vội chạy đi làm nhiệm vụ. Bộ đội áp giải tù binh nghỉ dưới rặng cây trên con đường rải đá ở bìa rừng. Tù binh tên nằm, tên ngồi hút thuốc, vẻ khoan khoái sau khi được uống nước chè đường.
Khoảng 3 giờ chiều thì anh Văn đến, cùng đi có anh Hoàng Văn Thái, Chỉ huy trưởng Mặt trận Đông Khê. Chúng tôi thăm hỏi và nói chuyện với tù binh một lúc lâu. Đang trò chuyện thì anh Lê Liêm đến bên, nói nhỏ với tôi: “Hình như Bác Hồ đang tới”.
Quả thực, cách chỗ chúng tôi khoảng vài chục mét, có một ông cụ mặc bộ đồ kaki màu vàng nhạt, đầu đội mũ cứng, khăn mặt vắt trên quai mũ che kín bộ râu. Tôi nghĩ thầm: “Đúng là Bác Hồ rồi”. Lúc này, tay Bác chống gậy, chân đi giày vải, dáng đi nhanh nhẹn, theo sau Bác là một chiến sỹ bảo vệ khoác khẩu cac-bin trên vai.
Khi đó, tù binh đã được lệnh tiếp tục lên đường, Bác Hồ vượt qua đám tù binh một đoạn rồi quay trở lại, vừa đi vừa quan sát bọn quan quân cất bước nặng nề. Tôi chợt thấy Bác dừng lại hỏi chuyện một tù binh người Âu đang đi cuối hàng. Anh ta để mình trần, trên người chỉ còn chiếc quần cộc, chân không giày. Khi ấy, mặt trời đã khuất sau rặng núi. Bác Hồ hỏi tên tù binh bằng tiếng Pháp: “Áo của anh đâu ?”, tên tù binh trả lời: “Mất hết, cháy hết ở trận Đông Khê rồi”. Lúc này, Bác nhìn trời, nhìn tên tù binh đứng trước mặt, thoắt cái Bác cởi chiếc áo ka-ki đang mặc đưa cho anh ta, trên người Bác còn lại chiếc áo ba lỗ. Tên tù binh sững sờ giây lát rồi nắm chặt hai bàn tay ông già tốt bụng, miệng rối rít cảm ơn…
Sau khi tên tù binh tiếp tục lê gót bám theo đoàn, Bác tiến gần đến người lính bảo vệ dặn dò vài câu. Lúc đó, Bác cầm súng của chiến sỹ cảnh vệ khoác lên vai rồi đi ngược lại con đường cũ về Sở Chỉ huy chiến dịch. Khi ấy, tôi được người chiến sĩ bảo vệ nói lại: Bác dặn các anh phải đối xử tử tế với tù binh nhưng cũng phải cảnh giác kẻo tù binh cướp súng, vì ở đây vẫn còn là Mặt trận.
Sau này, tôi được biết tên tù binh người Âu kia quốc tịch Ý, nhưng do việc đảm bảo bí mật nên người tù binh ấy chỉ được chứng kiến những việc làm nhân đạo, khoan hồng của đối phương mà không được biết “cụ già tốt bụng” nọ chính là vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà…
Nguồn Báo GD&TĐ