Thời gian qua, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã phối hợp với các ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp điều hành đồng bộ, linh hoạt với diễn biến dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa; thực hiện phân luồng kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện từ các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, ngành còn chủ động đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh đối với từng đối tượng để kịp thời điều chỉnh cơ chế kiểm soát; cập nhật, công bố “luồng xanh” quốc gia lưu thông trên quốc lộ; các chốt kiểm soát phương tiện vận tải... Đồng thời có những hướng dẫn, chế tài, quy định riêng cho từng thời điểm; thống nhất, ban hành cụ thể từng phần việc, quy trình, trách nhiệm với từng tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động vận tải, nhằm kiểm soát, ngăn ngừa dịch xâm nhập từ bên ngoài vào tỉnh.
Lực lượng Cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát các phương tiện vận tải
qua địa bàn tỉnh. Ảnh: Hồng Hà
Tuy nhiên, đáng lo ngại là một số lái xe, phụ xe, nhà xe chưa chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch nên làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng và đã bị xử lý theo pháp luật. Trong đó, cơ quan Công an đã đưa ra khởi tố 3 vụ án, gồm 2 vụ ở Tp. Phan Rang - Tháp Chàm và 1 vụ ở huyện Ninh Phước. Ngoài ra, một số phương tiện vận tải hàng hóa được cấp mã QR di chuyển trên "luồng xanh" quốc gia lợi dụng chở người từ vùng dịch về địa phương; làm giả hồ sơ hoàn thành điều trị COVID-19 ra viện để thông chốt kiểm soát dịch...
Đồng chí Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Sở GTVT, cho biết: Để đảm bảo vừa phòng, chống dịch có hiệu quả, vừa đảm bảo hàng hóa được lưu thông thông suốt, an toàn để phục vụ đời sống dân sinh tại các địa phương, khu vực khi thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch theo các Chỉ thị số 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ, ngành GTVT đã có các văn bản hướng dẫn cụ thể. Theo đó, đối với hoạt động vận tải hàng hóa phục vụ nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu vận chuyển hàng hóa đến, về Ninh Thuận, người điều khiển phương tiện và nhân viên nghiệp vụ đi cùng trên phương tiện vận chuyển hàng hóa phải thực hiện khai báo y tế trước khi bắt đầu hành trình và đảm bảo xuất trình mã QR kết quả khai báo y tế khi có yêu cầu kiểm tra. Đơn vị vận tải, chủ phương tiện chỉ cho phép người điều khiển phương tiện và nhân viên nghiệp vụ đi cùng trên phương tiện vận chuyển hàng hóa thực hiện nhiệm vụ khi đã có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 3 ngày (72 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm). Nếu có lưu trú tại Ninh Thuận, người điều khiển phương tiện và nhân viên nghiệp vụ đi cùng phải thực hiện cách ly tại nơi nghỉ, lưu trú riêng do doanh nghiệp bố trí, khai báo y tế hằng ngày, đồng thời thông báo cho UBND xã, phường, thị trấn nơi lưu trú để giám sát, kiểm tra. Nếu có nhu cầu về nhà (ở Ninh Thuận) thì phải cách ly y tế tại nhà theo quy định. Các đơn vị vận tải, chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện và nhân viên nghiệp vụ đi cùng trên phương tiện vận chuyển hàng hóa thực hiện nghiêm các quy định trên và Quyết định số 1570/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT và các quy định hiện hành của UBND tỉnh về việc công tác quản lý vận chuyển hàng hóa trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19.
Đối với vận chuyển hàng hóa nội tỉnh hoạt động phải đảm bảo đáp ứng điều kiện phòng, chống dịch theo quy định và chủ đơn vị phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho người lái xe, người theo xe và cộng đồng. Trong quá trình hoạt động phải tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc “5K” của Bộ Y tế; đồng thời chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng theo quy định. Ngành chỉ đạo Thanh tra Sở tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng của Công an tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên tình hình vận chuyển hàng hóa từ các địa phương khác đến tỉnh; xử lý nghiêm vi phạm trong hoạt động vận tải và công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Bình An