Chăm lo cho người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19

Ảnh hưởng từ dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp (DN) trong tỉnh phải thu hẹp sản xuất, thậm chí tạm ngưng hoạt động. Việc làm, đời sống của nhiều lao động do vậy gặp khó khăn. Trước tình hình đó, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo cho người lao động (NLĐ) và công tác thiện nguyện chung tay phòng, chống dịch.

Theo báo cáo của LĐLĐ tỉnh, toàn tỉnh có 189 DN có tổ chức công đoàn, với hơn 13.000 công nhân, lao động (CNLĐ). Trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư từ ngày 27-4 đến nay, có 49 DN phải tạm dừng hoạt động, 28 DN cắt giảm hoặc luân phiên khoảng 50% lao động; có 26 DN thực hiện phương án "3 tại chỗ". Qua đó, dẫn đến hơn 3.800 lao động phải nghỉ việc hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động, 1.929 lao động làm việc 50% thời gian, 1.431 lao động làm việc theo phương án "3 tại chỗ".

Trước tình hình đó, ngoài chỉ đạo các công đoàn cơ sở (CĐCS) tham mưu với lãnh đạo DN thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho NLĐ; LĐLĐ tỉnh đã hỗ trợ trên 130 triệu đồng cho 169 người là CNLĐ bị nhiễm COVID 19, CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn phải nghỉ việc để cách ly y tế, cư trú trong các khu vực bị phong tỏa; trích kinh phí 150 triệu đồng thăm, hỗ trợ 15 cơ sở y tế làm nhiệm vụ tuyến đầu chống dịch và các khu cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ 20 triệu đồng cho 20 y, bác sĩ vào TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ phòng, chống dịch. Ngoài ra, thăm, hỗ trợ 90 đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng không đủ điều kiện hưởng các gói hỗ trợ của Chính phủ với tổng số tiền 18 triệu đồng.

Liên đoàn Lao động tỉnh vận chuyển nhu yếu phẩm hỗ trợ công nhân tỉnh Bình Dương.

Các cấp công đoàn đã tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, NLĐ tham gia ủng hộ 263 triệu đồng, hơn 2 tấn lương thực, thực phẩm, 400 chai dầu ăn, nước mắm, 235 thùng mì tôm, hơn 6.000 khẩu trang y tế, 500 đôi bao tay, 140 kính chắn giọt bắn, 50 đồ bảo hộ phòng dịch... hỗ trợ cho “Gian hàng 0 đồng”, đoàn viên, NLĐ trong các khu cách ly, khu phong tỏa, các chốt kiểm soát dịch... LĐLĐ tỉnh cũng đã hỗ trợ CNLĐ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai nhu yếu phẩm, trị giá gần 170 triệu đồng. Hưởng ứng Chương trình “Vắc xin cho công nhân”, “Quỹ vắc xin phòng COVID-19”, LĐLĐ tỉnh đã tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, NLĐ trong tỉnh tham gia đóng góp ủng hộ số tiền 150 triệu đồng vào Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh, 336 triệu đồng ủng hộ “Quỹ vắc xin cho công nhân” - Quỹ Tấm lòng Vàng, Báo Lao Động, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, chung tay chia sẻ khó khăn do dịch bệnh.

Điều đáng ghi nhận hơn cả là dù tình hình sản xuất, kinh doanh ngưng trệ, khó khăn, tuy nhiên, nhiều DN vẫn nỗ lực thực hiện tốt các chế độ, chính sách, bảo đảm việc làm, đời sống cho NLĐ. Tại Công ty TNHH May Tiến Thuận, trong đợt dịch bùng phát vừa qua, đã ghi nhận 2 người nhiễm COVID-19. Sau khi phát hiện các ca dương tính, Công ty đã tích cực phối hợp với cơ quan chức năng truy vết và cho đi cách ly các đối tượng F1, F2; thực hiện vệ sinh dịch tễ... nhằm tránh lây lan dịch bệnh. Từ ngày 21-7 đến 13-8, Công ty đã ngừng hoạt động sản xuất thực hiện quy định phòng, chống dịch theo quy định. Để vừa duy trì hoạt động sản xuất, việc làm cho NLĐ, vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch, sau khi trở lại hoạt động, Công ty tổ chức 2 ca làm việc/ngày, trong đó 50% lao động làm việc ca sáng từ 6 giờ đến 13 giờ và 50% lao động làm việc vào ca chiều từ 13 giờ đến 21 giờ. Với phương thức tổ chức này giúp giản cách cho NLĐ, cũng như nâng cao hiệu quả quản lý. CNLĐ vào làm việc tại xí nghiệp thực hiện nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế... Ông Nguyễn Khắc Danh, Chủ tịch CĐCS Công ty cho biết: Dù khó khăn, công ty vẫn bảo đảm các chế độ, chính sách cho NLĐ. Trong thời gian ngưng sản xuất, CNLĐ vẫn được hưởng lương cơ bản theo vùng, được thực hiện BHXH, BHYT... Hiện nay thời gian sản xuất thay đổi ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, tuy nhiên, NLĐ vẫn rất an tâm làm việc.

Đồng chí Nguyễn Hữu Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh cho biết: Trong tình hình khó khăn do dịch COVID-19 ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, việc làm, đời sống của NLĐ, tổ chức công đoàn cần phát huy hơn nữa, vai trò trách nhiệm của mình. Nhiệm vụ quan trọng của các cấp công đoàn trong thời điểm này đó chính là luôn nắm bắt tình hình lao động tại các DN, trên cơ sở đó để có các biện pháp đề xuất, kiến nghị, tham mưu thực hiện các chế độ chính sách cho NLĐ. Các CĐCS các đơn vị, DN tích cực phối hợp với lãnh đạo đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh, lao động để làm thủ tục đề nghị các cấp, các ngành chức năng hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh sẽ huy động các nguồn lực để hỗ trợ cho CNLĐ có hoàn ảnh khó khăn, tổ chức các hoạt động thiện nguyện... nhằm phát huy vài trò của mình trong công tác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, chăm lo đời sống cho NLĐ và chung tay cùng cộng đồng phòng, chống dịch.