Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 11-5, các cơ quan phát triển của LHQ đã cùng lên tiếng kêu gọi các định chế thương mại toàn cầu mới cần phải bảo vệ lợi ích của các nước nghèo, đặc biệt là các nước chậm phát triển nhất (LDC).
Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Pa-xcan La-mi (Pascal Lamy), nhấn mạnh hạ thấp hàng rào thương mại, sửa đổi các quy chế thương mại và cắt giảm trợ cấp nông nghiệp ở các nước phát triển là nguyên nhân làm tê liệt sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở các nước chậm phát triển nhất. Do đó, giải quyết những nguyên nhân này là yêu cầu then chốt để đảm bảo lợi ích của các nước nghèo tại Vòng đàm phán Đô-ha về một hiệp ước thương mại đa phương toàn cầu mới. Cộng đồng quốc tế phải tập trung hỗ trợ lĩnh vực thuộc chính sách phát triển này của các nước nghèo. Thương mại quốc tế đã góp phần hỗ trợ phát triển của các nước nghèo trong thập kỷ qua nhưng thách thức hiện nay vẫn là tiếp tục thúc đẩy nỗ lực này trong thập kỷ tới.
Tổng Giám đốc WTO lưu ý rằng mặc dù viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho các nước chậm phát triển nhất nhằm tăng năng lực buôn bán đã tăng từ 5 tỷ USD năm 2000 lên 12 tỷ USD năm 2009, tăng trưởng trung bình của các nước này trong thập kỷ qua đã đạt 7% và thương mại tăng gấp 2 lần trong thập kỷ qua, cao hơn nhiều so với tăng trưởng trung bình toàn cầu, nhưng tổng thương mại của 48 nước LDC chỉ chiếm chưa đầy 1% thương mại toàn cầu. Đây là một tỷ lệ không tương xứng và mục tiêu của Vòng đàm phán Đô-ha là phải tăng ODA hỗ trợ thương mại và tăng cường sự tiếp cận thị trường quốc tế của các nước chậm phát triển nhất.
Những người đứng đầu các cơ quan phát triển khác của LHQ như Chương trình Phát triển LHQ, Uỷ ban Kinh tế xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Ủy ban LHQ về kinh tế châu Phi, Tổ chức Lao động quốc tế, Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển, Tổ chức Phát triển công nghiệp LHQ… cũng nhấn mạnh các nước nghèo phải được bảo vệ thông qua quyền ưu tiên tiếp cận thị trường các nước phát triển, đồng thời nhất trí rằng sự phát triển của các nước nghèo hiện nay không có thành công đột phá là do không có một chương trình ưu đãi thương mại bao gồm các danh mục hàng hóa bao quát, các quy chế tiếp cận thị trường linh hoạt trong khuôn khổ thời gian có thể dự báo được để ưu tiên tiếp cận thị trường các nước phát triển. Các nhân tố này sẽ góp phần thiết yếu thúc đẩy năng lực sản xuất, mở rộng thị trường khu vực thông qua hội nhập, ổn định các điều kiện kinh tế vĩ mô, khuôn khổ quy chế và luật pháp, đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng và nguồn vốn con người cũng như tạo việc làm nhằm xóa đói nghèo ở các nước nghèo.