Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Trong đó, lựa chọn một số sản phẩm đặc thù, có tiềm năng để thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh cao, gắn với chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị là ưu tiên hàng đầu.
Để sớm đua nội dung Nghị quyết vào cuộc sống, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tham mưu UBND tỉnh ưu tiên cho phát triển nông nghiệp CNC các loại cây chủ lực: Nho, táo, măng tây xanh, nha đam; một số cây trồng có tiềm năng phát triển theo hướng nhu cầu thị trường như hành, rau mùi, dưa lưới, dưa lê, dưa leo, bí đậu, hoa lan, bưởi da xanh, chuối. Các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), hộ gia đình sản xuất các đối tượng cây trồng này được ưu tiên hỗ trợ quy trình công nghệ tưới tiết kiệm, công nghệ sinh học tổng hợp, công nghệ vi sinh thế hệ mới, công nghệ canh tác không dùng đất (thủy canh) quy mô công nghiệp.
Lĩnh vực chăn nuôi, đối tượng ưu tiên là dê, cừu, bò vàng, heo đen và các sản phẩm tiềm năng như bò lai, heo, gà. Các DN, HTX, hộ gia đình chăn nuôi các vật nuôi này được ưu tiên hỗ trợ công nghệ điều khiển tự động hóa trong chăn nuôi, công nghệ sinh học trong xử lý chất thải, công nghệ vi sinh thế hệ mới, chế phẩm vi sinh vật đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Trong thực tế, giai đoạn 2016-2020 chương trình phát triển nông nghiệp CNC được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, thông qua ban hành các nghị quyết chuyên đề tổ chức chỉ đạo thực hiện đạt được một số kết quả nhất định. Nhiều DN, HTX, hộ sản xuất bước đầu đã triển khai ứng dụng CNC vào một số khâu trong quy trình sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tuy vậy, theo đánh giá của Sở NN&PTNT, việc ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ mới bước đầu, quy mô nhỏ lẻ, chưa có DN lớn đầu tư làm hạt nhân để gắn kết với nông dân chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp và đưa các sản phẩm ra chuỗi phân phối toàn quốc và xuất khẩu.
Xuất phát từ thực trạng trên, UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương vận dụng các chính sách hỗ trợ của trung ương, của tỉnh để tiếp tục thu hút, khuyến khích các DN, HTX, hộ gia đình đầu tư phát triển nông nghiệp CNC giai đoạn 2021-2025. Thời gian tới, khi đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, DN sẽ được hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đất đai, thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, nhập khẩu. Đồng thời, được xem xét hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, thử nghiệm, đào tạo, chuyển giao công nghệ từ kinh phí của Chương trình quốc gia phát triển CNC.
Bên cạnh tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ của tỉnh về tiếp cận tín dụng, đầu tư cơ sở chế biến các sản phẩm chủ lực của tỉnh, hỗ trợ hoạt động khuyến nông, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành một số chính sách mới để thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp CNC. Theo đó, các DN, HTX, hộ gia đình đầu tư dự án khởi nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC đối với các loại cây trồng đặc thù có diện tích 300 m2 trở lên được hỗ trợ 30% kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng, mua thiết bị, nhưng không quá 500 triệu đồng/dự án.
Đối với các dự án chăn nuôi ứng dụng CNC đáp ứng được các điều kiện như có đầu tư máy chế biến thức ăn, máy cho gia súc ăn tự động, đệm lót sinh học xử lý chất thải chăn nuôi theo công nghệ sinh học, quy mô dự án đối bò sữa, bò thịt tối thiểu 200 con; dê, cừu 600 con; heo nái 300 con; heo thương phẩm 1.000 con; gà 5.000 con phù hợp với quy hoạch sản xuất nông nghiệp của địa phương được hỗ trợ 30% kinh phí đầu tư nhưng tối đa không quá 2 tỷ đồng/dự án.
Với việc đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư các dự án nông nghiệp CNC, tin rằng tỉnh ta sẽ đạt được mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh có ít nhất 30 dự án nông nghiệp CNC hoạt động có hiệu quả; trong đó, mỗi huyện có 4-6 dự án; giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp ứng dụng CNC đạt từ 500 triệu đồng trở lên/năm.
Anh Tùng