Tích cực chuẩn bị bước vào năm học mới 2021-2022

Năm học 2021-2022 đang đến gần, hiện nay, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cùng các địa phương trong tỉnh đang nỗ lực triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học mới trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19.

Đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19

Theo khung kế hoạch vừa được UBND tỉnh ban hành thời gian năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông (GDPT) và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh, thì thời gian tựu trường sẽ vào ngày 1-9, khai giảng vào ngày 5-9 và bắt đầu năm học mới vào ngày 6-9. Đồng chí Nguyễn Huệ Khải, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Nhằm thực hiện đúng khung kế hoạch đề ra cũng như đảm bảo an toàn về sức khỏe cho học sinh (HS) và cán bộ, giáo viên, ngành GĐ&ĐT tỉnh ta đã xây dựng các phương án cụ thể về hình thức tổ chức khai giảng, dạy học ở từng cấp học phù hợp với diễn biến tình hình dịch COVID-19 tại địa phương. Tuy nhiên, trên tinh thần chủ động trước mọi tình huống phát sinh, các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh sẽ linh động trong tổ chức các hoạt động dạy học bằng các hình thức phù hợp như: Trực tiếp, trực tuyến hoặc lồng ghép cả hai để đảm bảo đầy đủ nội dung, chương trình theo quy định.

Trường THCS Lê Hồng Phong (Tp. Phan Rang – Tháp Chàm) được đầu tư xây mới thêm phòng học cho năm học 2021-2022.

Trước tình hình thực tế hiện nay khi tỉnh ta đang trưng dụng số lượng lớn các cơ sở trường học để làm khu cách ly y tế tập trung, việc gấp rút chuẩn bị các điều kiện phòng, chống dịch tại các trường học cũng gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê của Sở GD&ĐT, toàn tỉnh hiện có 52 cơ sở trường học tại các huyện, thành phố được trưng dụng. Sở đã chủ động liên hệ với Ban điều hành các khu cách ly sớm có kế hoạch hoàn thành và bàn giao trước ngày 25-8 để các trường tổ chức tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn khuôn viên trường học. Cùng với đó, nhà trường tích cực tuyên truyền cho phụ huynh, HS nâng cao ý thức thực hiện nghiêm quy định “5K” cũng như trang bị đầy đủ nước sát khuẩn, thiết bị đo thân nhiệt, khẩu trang tại các lớp học, qua đó đảm bảo an toàn tuyệt đối cho HS khi đến trường.

Chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học mới

Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho năm học mới như: Tuyển sinh, đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường học được ngành GD&ĐT nỗ lực thực hiện theo đúng kế hoạch đã đề ra. Trong đó, nhiệm vụ triển khai chương trình GDPT 2018 (chương trình GDPT mới) được ngành tiếp tục quan tâm và đẩy mạnh. Theo lộ trình thực hiện chương trình GDPT mới, năm học 2021-2022 sẽ triển khai đổi mới với khối lớp 2 và lớp 6. Do đó, để chuẩn bị tốt các điều kiện thực hiện, Sở đã xây dựng kế hoạch và triển khai việc lựa chọn các đầu sách giáo khoa (SGK); đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học; bồi dưỡng, tập huấn kiến thức SGK mới cho đội ngũ giáo viên. Thực hiện theo Quyết định số 173/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc phê duyệt danh mục SGK lớp 2 và lớp 6 sử dụng trong các cơ sở GDPT tỉnh Ninh Thuận, các địa phương và nhà trường đã thông báo cụ thể đến với phụ huynh và HS biết đến các bộ sách để lựa chọn SGK phù hợp với chương trình học. Thầy giáo Đặng Ngọc Hải, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bác Ái cho biết: Hiện nay, công tác bồi dưỡng, tập huấn SGK mới cho đội ngũ giáo viên các trường đã cơ bản hoàn thành. Với kiến thức tập huấn vững vàng, 40 giáo viên dạy lớp 2 và 50 giáo viên dạy lớp 6 tự tin đảm nhận dạy học theo chương trình mới, đảm bảo đạt chất lượng. Đồng thời, đơn vị cũng có kế hoạch xin Sở GD&ĐT bổ sung thêm số lượng các bộ SGK lớp 2 và lớp 6 cho các em HS có điều kiện khó khăn.

Phụ huynh chọn mua sách giáo khoa cho con bước vào năm học mới tại nhà sách Fahasa. Ảnh: Phan Bình

Để đáp ứng nhu cầu mua sắm sách vở, đồ dùng học tập cho phụ huynh, HS, Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học tỉnh, các cửa hàng văn phòng phẩm, đại lý sách chủ động nhập về số lượng lớn sách vở, đồ dùng, thiết bị dạy và học. Đối với SGK lớp 2 và lớp 6, Sở GD&ĐT đã phối hợp với nhà xuất bản, các cơ quan, đơn vị liên quan thống nhất nội dung, yêu cầu, phương án cung ứng và phát hành sách, đảm bảo không xảy ra tình trạng chậm, thiếu SGK cho HS.

Về chuẩn bị cơ sở trường học phục vụ năm học mới, toàn tỉnh đã đầu tư xây mới 126 phòng học, 41 phòng bộ môn; sửa chữa khoảng 300 phòng học, tường rào, công trình vệ sinh với kinh phí trên 100 tỷ đồng. Ngoài ra, các địa phương, trường học còn đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, vận động cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học, dụng cụ học tập giúp HS, nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn, yên tâm đến trường. Qua công tác đánh giá và rà soát, đội ngũ giáo viên đứng lớp giảng dạy ở các cấp học trên địa bàn tỉnh về cơ bản đảm bảo đủ số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng tốt được yêu cầu giảng dạy. Về công tác sắp xếp lại mạng lưới trường học, trong năm học này sáp nhập trường TH Liên Sơn 1 vào Trường THCS Phước Vinh thành Trường Liên cấp TH và THCS Phước Vinh (Ninh Phước) và tổ chức lại Trường THCS Trần Hưng Đạo (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm).

Tin tưởng với sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt cho năm học mới 2021-2022, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhà sẽ gặt hái nhiều thành tích hơn nữa, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học theo hướng đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 147.137 HS, biên chế ở 4.749 lớp. Trong đó Mầm non có 28.029 HS/1.067 lớp, Tiểu học có 62.251 HS/2.200 lớp, THCS có 38.857 HS/1.034 lớp, THPT có 18.000 HS/448 lớp.