Nhằm chia sẻ khó khăn với sinh viên, người lao động tỉnh nhà đang học tập, làm việc tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã trích kinh phí hỗ trợ cho 146 trường hợp gặp khó khăn, với quyết tâm không để đồng bào tỉnh nhà ở vùng “tâm dịch” bị bỏ lại phía sau.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy về việc nắm bắt tình hình khó khăn của học sinh, sinh viên, người lao động tỉnh Ninh Thuận hiện đang sinh sống, học tập tại các tỉnh, thành phố phía Nam trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã nhanh chóng thành lập các số điện thoại đường dây nóng cũng như kết nối với Ban liên lạc (BLL) Hội đồng hương tỉnh Ninh Thuận tại TP. Hồ Chí Minh để cùng tiếp nhận ý kiến, liên hệ từ bà con. Từ ngày 23-7 đến nay, đường dây nóng đã kết nối thành công gần 6.000 cuộc gọi của bà con có nhu cầu giúp đỡ. Trong đó, kênh tiếp nhận của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh có gần 4.000 cuộc gọi và kênh BLL có 2.000 cuộc gọi. Phần lớn các cuộc gọi đến từ sinh viên, người lao động gặp khó khăn về đời sống, sinh hoạt do bị mất việc, mất thu nhập và kẹt lại ở các khu phong tỏa.
Cán bộ Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp nhận các cuộc gọi, thông tin từ bà con vùng tâm dịch cần sự giúp đỡ thông qua các đường dây nóng.
Là cầu nối hỗ trợ và đồng hành tiếp nhận thông tin cho Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các thành viên của BLL đã làm việc hết công sức để nhận và xử lý các cuộc gọi từ bà con. Không dừng lại đó, họ còn là người luôn sẵn sàng lắng nghe những sẻ chia của bà con trong giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch. Chị Nguyễn Thị Quý An, Phó Trưởng BLL cho biết: Dù mới công bố số điện thoại đường dây nóng trên hệ thống thông tin nhưng đã có nhiều bà con quan tâm và gọi điện cho chúng tôi nhờ sự trợ giúp. Hầu hết các cuộc gọi đến đều có trường hợp rất khó khăn, đang ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... Với khối lượng thông tin và dữ liệu cá nhân lớn như vậy, chúng tôi thay phiên túc trực và làm việc xuyên ngày đêm để phân loại, xử lý nhanh chóng, chính xác thông tin để nhập vào nguồn dữ liệu chung của MTTQ Việt Nam tỉnh.
Sau khi hoàn thành hồ sơ dữ liệu cá nhân, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chuyển trực tiếp thông tin của người cần giúp đỡ về các xã, phường, thị trấn để xác minh và thẩm định. Các đối tượng được xem xét và nhận hỗ trợ trước nằm trong diện hộ nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn. Trước mắt trong đợt 1, MTTQ Việt Nam tỉnh đã xác nhận và hỗ trợ cho 146 trường hợp, với số tiền 1 triệu đồng/trường hợp, thông qua hình thức chuyển khoản ngân hàng do người dân cung cấp. Hiện nay, MTTQ Việt Nam tỉnh đang tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục cập nhật và xem xét các trường hợp còn lại để hỗ trợ trong nhiều đợt sau. Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết: Nguồn kinh phí hỗ trợ cho bà con được trích từ nguồn quỹ phòng, chống dịch của tỉnh. Đây là nguồn quỹ được xây dựng từ sự chung tay, đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, đơn vị, cá nhân. Sự tương trợ này thể hiện được tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “tương thân tương ái” của Nhân dân tỉnh nhà đối với bà con vùng dịch.
Trước sự tiếp sức, động viên của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà, nhiều cá nhân được nhận tiền hỗ trợ bày tỏ sự biết ơn, cảm động trước tấm lòng của quê hương đang hướng về đồng hương quê Ninh Thuận dù họ đang ở bất kỳ nơi đâu. Bạn Bá Thị Như Hiên, thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu (Ninh Phước) đang là sinh viên trường Đại học Y dược Cần Thơ chia sẻ: Phần vì sinh viên không có thu nhập kèm theo gia đình ở quê gặp khó khăn, nên cuộc sống của em thiếu thốn và chật vật hơn hẳn khi dịch bùng phát. Ở thời điểm hiện nay, số tiền hỗ trợ thật sự rất quý giá, giúp em phần nào trang trải được chi phí cuộc sống.
Trong bối cảnh tỉnh nhà đang tập trung các nguồn lực để ngăn chặn và kiểm soát dịch COVID-19, sư chăm lo, sẻ chia vì đồng bào ruột thịt đã và đang mang lại sự ấm áp, yên tâm cho những người con xa quê; đồng thời củng cố niềm tin trong Nhân dân đối với các chủ trương, chính sách đúng đắn của tỉnh trong công tác phòng, chống dịch.
Lê Thi