Mô tả cây muối hay diêm phu mộc
Cây muối là cây nhỏ cao từ 2 đến 8m. Lá mọc so le, kép dìa lẻ, gồm 7 đến 14 lá chét. Cuống lá chung có dìa như cánh, trên những lông ngắn màu vàng nâu nhạt. Lá chét không cuống, hình trứng, mép có răng cưa to, thô, dài 5-14cm, rộng 2,5-9cm. Cụm hoa hình chùy mọc ở đầu cành, dài 20-30cm. Hoa nhỏ, màu trắng sữa. Quả hạch màu vàng cam đỏ, một hạt. Mùa hoa các tháng 8-9, mùa quả tháng 10.
Khi cành non và cuống lá cây này bị một giống sâu đục sẽ xuất hiện những chỗ sùi lên hình dạng khác nhau dài từ 3 đến 6cm. Trên mặt có lông mịn, ngắn màu xám nhạt, có chỗ màu đỏ nâu. Khi bẻ ta thấy thành dày 1-2mm, cứng bóng như sừng, trong có những lông nhỏ trắng như sợi len và mảnh con sâu. Những chỗ sùi này được gọi là bầu bí (tiếng kinh), măc piêt (tiếng thổ Cao Bằng), ngũ bội (tên vị thuốc).
Công dụng và liều dùng
Theo tài liệu cổ, ngũ bội tử vị chua, tính bình, vào 3 kinh phế, thận và đại trường. Có tác dụng liễm phế, giáng hỏa chỉ huyết, liễm hãn, sáp trường. Dùng chữa phế hư sinh ho, lỵ lâu ngày lòi dom, nhiều mồ hôi, mụn nhọt. Ngũ bội tử được dùng làm thuốc thu liễm trong bệnh lỵ xuất huyết, hoàng đản, giải độc.
Còn là nguyên liệu chế tannin dùng thuộc da loại màu sáng, chế mực viết, nhuộm màu đen.
Liều dùng: Ngày uống 0,5 đến 1g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột. Dung dịch 5-10% dùng súc miệng để điều trị vết loét trong miệng.
Đơn thuốc có ngũ bội tử
Chữa đau bụng đi phân lỏng: Ngũ bội tử tán bột, thêm hồ vào, viên thành viên bằng hạt đậu xanh, ngày uống 15-20 viên, dùng nước pha bạc hà mà uống thuốc.
Trẻ con đái dầm: Ngũ bội tử giã nhỏ, thêm nước cho dính, đắp vào rốn.
Trẻ con bị trớ: Ngũ bội tử 3g, một nửa để sống, một nửa nướng chín, trích cam thảo 20g. Tất cả tán nhỏ. Mỗi lần dùng 2g bột này, dùng nước cơm hay nước cháo mà chiêu thuốc.
Đức Doãn (Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam)