Bộ Tài chính sẽ ưu tiên không tính đến việc tăng thuế đối với các mặt hàng phục vụ kinh tế, dân sinh,
trong đó chủ yếu là nông sản, thuỷ sản.
Theo Bộ Tài chính 11 mặt hàng dự kiến tăng thế sẽ gồm: quả óc chó đã bóc vỏ từ 20% lên 30%; nước xốt cà chua nấm và nước xốt cà chua khác từ 30% lên 35%; bồn tắm bằng sắt hoặc thép từ 32% lên 36%; máy in phun từ 0% lên 5%; băng từ dùng cho phim điện ảnh từ 10% lên 15%. Đối với mặt hàng thuốc lá thuần nhất hoặc hoàn nguyên, thuốc lá bột để hít, thuốc lá không dùng để hút khác, kể cả thuốc lá để nhai hoặc ngậm, Anghoon thuế suất hiện hành là 30% được đề nghị nâng mức thuế suất lên 50%...
Danh mục ... còn nhiều
Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Ngô Hữu Lợi cho biết: Danh mục các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu gồm 297 nhóm hàng ( trong đó có 3.724 dòng thuế) tập trung chủ yếu vào các nhóm mặt hàng tiêu dùng như: thực phẩm, quần áo, giày dép, hàng may mặc, các sản phẩm sắt, thép, máy móc thiết bị chủ yếu phục vụ tiêu dùng cá nhân như quạt, máy giặt gia đình, máy fax, máy in, máy khâu gia đình, máy tính cá nhân...; các thiết bị điện dân dụng như điện thoại, loa đài, máy ghi âm, băng đĩa, camera...; các phương tiện đi lại như ô tô. Tuy nhiên, những mặt hàng này không điều chỉnh trong đợt này, vì qua rà soát và đối chiếu với cam kết WTO năm 2011 của các nhóm hàng trong Danh mục đã có mức thuế suất hiện hành bằng mức cam kết trần WTO 2011. Chính vì vậy, Bộ Tài chính sẽ không điều chỉnh thuế đối với các mặt hàng này. Hiện chỉ có 149 dòng thuế thấp hơn từ 1- 3% so với mức cam kết trần WTO và 169 dòng thuế có mức thuế suất thấp hơn mức cam kết trần WTO 2011 từ 4% trở lên. Ông Lợi cho biết, sẽ không điều chỉnh tăng với danh mục mặt hàng có mức thuế thấp hơn 3% so với trần WTO. Đối với các dòng thuế có mức thuế suất hiện hành thấp hơn mức cam kết WTO 2011 từ 4 % trở lên (169 dòng thuế) sẽ điều chỉnh thuế. Tuy nhiên để đảm bảo ổn định thị trường cũng như tránh vướng mắc trong thực thi Bộ Tài chính sẽ không điều chỉnh tăng đối với 158 dòng thuế bao gồm các mặt hàng là nguyên liệu sản xuất; các mặt hàng trong nước chưa sản xuất được, các mặt hàng có tính chất lưỡng dụng (vừa dùng làm hàng tiêu dùng, vừa dùng làm nguyên liệu sản xuất). Như vậy, chỉ có 11 dòng thuế có thể xem xét điều chỉnh thuế suất (tăng khoảng 10%). Ông Lợi cũng khẳng định, lần điều chỉnh tăng thuế này sẽ tác động ít nhiều đến thị trường, tuy nhiên đó chỉ là những tác động nhỏ. Bởi Bộ Tài chính đã xem xét khá kỹ thuế suất các mặt hàng trước khi đề xuất điểu chỉnh..
Bộ Tài chính chấp thuận kiến nghị của Hiệp hội thuỷ sản VN, giữ nguyên mức thuế hiện hành là 0%
đối với hầu hết các loại thuỷ sản. (Ảnh minh họa).
Giữ nguyên thuế suất với sản phẩm nông nghiệp
Theo quan điểm của Bộ Tài chính, sẽ ưu tiên không tính đến việc tăng thuế đối với các mặt hàng phục vụ kinh tế, dân sinh, trong đó chủ yếu là nông sản, thuỷ sản.
Theo đó Bộ Tài chính chấp thuận kiến nghị của Hiệp hội thuỷ sản VN, giữ nguyên mức thuế hiện hành là 0% đối với hầu hết các loại thuỷ sản (bao gồm các loại tôm, cua, hàu, vẹm, điệp, mực, bạch tuộc...) do trong nước không có hoặc sản lượng nuôi trồng thấp, không đủ đáp ứng nguyên liệu để phục vụ ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu. Đối với mặt hàng trứng chim và trứng gia cầm nguyên vỏ, tươi hoặc đã bảo quản hoặc đã làm chín (Cam kết WTO là 40%, thuế suất hiện hành là 30%). Tuy nhiên, Bộ Tài chính dự kiến giữ nguyên thuế suất như hiện hành vì đây là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nếu tăng giá mặt hàng này sẽ gây áp lực cho thị trường trong giai đoạn giá cả leo thang này, đặc biệt với mức thuế áp với mặt hàng này hiện đã ở mức khá cao.
Đối với các mặt hàng gạo làm chín sơ (cam kết WTO là 50%, thuế suất hiện hành 40%), Bộ Tài chính dự kiến giữ nguyên thuế suất của mặt hàng này là 40%. Lý giải tại sao thuế suất của mặt hàng này không điều chỉnh, Bộ Tài chính khẳng định, theo căn cứ VN là nước xuất khẩu gạo (khoảng 6 triệu tấn/năm) nên gạo không phải là mặt hàng có ảnh hưởng đến nhập siêu. Các mặt hàng khác như: mỡ, dầu động vật hoặc thực vật đã tinh chế (cam kết WTO là 30%, 35%, 38%, thuế suất hiện hành 10%, 20% và 25%), dù các mặt này thuế suất hiện hành chưa cao nhưng quan điểm của Bộ Tài chính cho rằng, các mặt hàng này vừa là hàng tiêu dùng vừa được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất, đó là những mặt hàng thiết yếu nên dự kiến không điều chỉnh tăng thuế trong thời điểm hiện tại. Bộ Tài chính cũng khẳng định, sẽ ưu tiên không tính đến việc tăng thuế đối với các mặt hàng phục vụ kinh tế, dân sinh, những mặt hàng thiết yếu để giữ ổn định xã hội.
Theo Quang Anh (Diễn đàn doanh nghiệp)