Theo đó, từ tháng 8-2021 đến tháng 4-2022, các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan tập trung triển khai các hoạt động truyền thông cho Chiến dịch; trong đó, tuyên truyền Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26-2-2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
Nhân viên y tế Thuận Nam tiêm vắc-xin cho đối tượng ưu tiên. Ảnh: Văn Nỷ
Truyền thông những nỗ lực của Chính phủ, Bộ Y tế, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong đàm phán, mua và cung ứng vắc xin phòng COVID-19 về Việt Nam, đáp ứng nhu cầu sử dụng vắc xin của Chiến dịch, hướng tới mục tiêu trên 70% dân số Việt Nam được tiêm vắc xin phòng COVID-19 đến hết quý I-2022, đạt được miễn dịch cộng đồng, đưa cuộc sống trở lại bình thường. Riêng tỉnh ta hướng đến mục tiêu 92% dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Vận động người dân ủng hộ công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo tinh thần “Tiêm vắc xin phòng COVID-19 là quyền lợi đối với cá nhân, là trách nhiệm đối với cộng đồng”; vận động người dân đi tiêm chủng khi đến lượt; vận động người dân sử dụng ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” để quản lý hoạt động tiêm chủng cá nhân; vận động người dân, các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19 Việt Nam.
Bên cạnh đó, cung cấp chính xác, kịp thời thông tin về triển khai Chiến dịch trên toàn quốc, tại địa phương, các kết quả đạt được, các thông điệp, khuyến cáo đến người dân và cộng đồng về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 an toàn; khuyến cáo thực hiện Thông điệp 5K phòng, chống dịch COVID-19 cùng với triển khai tiêm vắc xin...
T.D