Những ngày này, dù đang thực hiện giãn cách xã hội theo quy định tại Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, song An Hải vẫn không sao nhãng nhiệm vụ “đền ơn đáp nghĩa”. Theo đồng chí Trần Khánh Thành, Phó Chủ tịch UBND xã An Hải, chăm sóc các đối tượng chính sách được coi là nhiệm vụ quan trọng mà cấp ủy, chính quyền xã luôn quan tâm lãnh đạo, thể hiện rõ nhất ở phong trào vận động gây Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. An Hải hiện có 294 đối tượng chính sách, trong đó có 27 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (đã từ trần), 30 thương, bệnh binh các hạng, 5 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hại, 148 gia đình liệt sỹ và còn lại là người tham gia hoạt động kháng chiến hoặc bị tù đày tra tấn. Bằng nhiều biện pháp tích cực, An Hải đã tập trung chỉ đạo, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hộ chính sách vươn lên về mặt kinh tế gia đình. Hiện nay đời sống các hộ chính sách đều ổn định, có mức sống từ trung bình trở lên so với mức sống chung trong xã. Theo cán bộ phụ trách Thương binh - Xã hội xã, các hộ đối tượng chính sách ở địa phương đều có nhà xây khang trang nhờ hằng năm xã huy động các nguồn lực và được trên phân bổ vốn hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở.
Ông Nguyễn Văn Dề, thân nhân gia đình liệt sĩ thôn Long Bình 1, được xã tặng giấy khen về đóng góp xây dựng nông thôn mới.
Do hầu hết các đối tượng chính sách đều đã có nhà ở ổn định nên tính từ 27-7 năm ngoái đến nay, An Hải chỉ triển khai sửa chữa nhà ở cho 1 hộ đối tượng chính sách với số tiền 20 triệu đồng. Dự kiến dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ sắp tới sẽ đề xuất sửa chữa nhà ở cho ông Lê Nga, thôn Long Bình 2 và bà Nguyễn Thị Đường, thôn Long Bình 1, đều là đối tượng bị địch bắt tù đày. Trong những năm qua, thấm nhuần truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, người dân An Hải đã tích cực tham gia đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” vượt chỉ tiêu hàng năm.
Điểm đáng chú ý là bên cạnh việc gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, không ít gia đình đối tượng chính sách ở An Hải không trông chờ ỷ lại mà đã biết vượt khó, tự lực vươn lên cải thiện cuộc sống. Điển hình có ông Nguyễn Ngọc Nhẫn, thương binh ở thôn Long Bình 1 nhờ cần cù lao động sản xuất đã xây dựng nhà cửa khang trang và có cuộc sống sung túc tại địa phương. Đồng chí Trần Khánh Thành cho biết thêm: Từ chế độ ưu đãi của Nhà nước, nhiều đối tượng chính sách đã tận dụng cơ hội để vươn lên, tự thân phát triển kinh tế gia đình. Cũng ở thôn Long Bình 1, chúng tôi có dịp gặp ông Nguyễn Văn Dề (sinh năm 1942), thân nhân gia đình liệt sỹ (có cha mẹ là liệt sỹ hy sinh thời kháng chiến chống Pháp) đang tất bật cùng cán bộ thôn đi tuyên truyền, vận động người dân phòng, chống dịch COVID-19. Không chỉ tự vươn lên phát triển kinh tế gia đình, ông Dề còn nêu gương gia đình chính sách tích cực tham gia công tác xã hội và chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương. Ông được huyện Ninh Phước đề nghị tỉnh tặng Bằng khen người có công tiêu biểu năm 2021.
Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, An Hải được tuyên dương là xã tiêu biểu về công tác chăm sóc các đối tượng chính sách ở huyện Ninh Phước nhân dịp kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ. Về An Hải vào những ngày tháng 7, dù đang giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, chúng tôi vẫn cảm nhận được sự chuẩn bị chu đáo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc bày tỏ lòng biết ơn các thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với nước bằng các việc làm cụ thể, thiết thực. Đây sẽ là dịp để cán bộ, đảng viên và nhân dân An Hải ngưỡng vọng về quá khứ hào hùng của cha ông, qua đó ý thức rõ bổn phận của mình đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, trước mắt là trong cuộc chiến chống lây lan dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Bạch Thương