Sáng 26/7/2021, Việt Nam ghi nhận 2.708 ca COVID-19 mới, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên 101.173 ca. Trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, nhiều địa phương đã siết siết chặt hơn nữa các biện pháp chống dịch nhằm làm giảm tốc độ lây lan, nỗ lực kiểm soát dịch bệnh.
Chỉ đạo đúng nhưng thực hiện còn chưa triệt để
Với tốc độ lây lan nhanh gấp nhiều lần so với chủng gốc, biến thể Delta, Delta-plus của virus SARS-CoV-2 đã trở thành biến thể cực độc tàn phá nhiều nước trên thế giới và cũng đang hoành hành tại Việt Nam.
Bùng phát từ ngày 27/4 đến nay, làn sóng COVID-19 lần thứ 4 ở Việt Nam được đánh giá là khốc liệt hơn gấp nhiều lần so với 3 đợt dịch trước. Thực tế đã chứng minh, Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát các đợt dịch trước; nhưng ở đợt dịch này, dù đã triển khai rất nhiều giải pháp quyết liệt, dịch bệnh vẫn đang diễn biến rất phức tạp.
Theo Bộ Y tế, tính đến sáng 26/7, Việt Nam có tổng 101.173 ca mắc, trong đó có 2.182 ca nhập cảnh; 98.991 ca mắc trong nước. Số mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 97.421 ca, trong đó có 16.564 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 62 tỉnh/thành phố trên cả nước đã ghi nhận các ca nhiễm COVID-19. Trong đó, TP Hồ Chí Minh là địa phương có số ca mắc cao nhất với trên 62.000 bệnh nhân, tiếp đến là Bình Dương (trên 8.000 ca), Đồng Nai (trên 2.000 ca), Đồng Tháp (gần 2.000 ca), Tiền Giang (trên 1.700 ca), Phú Yên (trên 1.000 ca)… Hà Nội cũng ghi nhận 751 ca mắc COVID-19 trong đợt dịch này, trong đó số ca mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 457 ca.
Hiện toàn bộ hệ thống chính trị đang quyết liệt chống dịch. Chính phủ và các bộ, ngành, các địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp, đáng chú ý nhất là thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg19 tại 19 tỉnh/thành phố phía Nam. Thủ đô Hà Nội cũng đã áp dụng biện pháp này từ 24/7.
Đặc biệt, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 79/NQ-CP về mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng chống COVID-19. Đây là một Nghị quyết mang tính đột phá, thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ trong vấn đề kịp thời mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19. Nghị quyết này sẽ giúp các địa phương và tất cả bộ, ngành đều có thể chủ động được việc mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng chống dịch COVID-19.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhận định, cách chỉ đạo của Chính phủ và Trung ương hiện nay rất đúng hướng, quyết liệt, phù hợp và linh hoạt. Tuy nhiên, trong triển khai, vẫn còn có nơi có cách làm chưa khoa học như chậm trả kết quả xét nghiệm, không đáp ứng kịp thời trong chống dịch, đặc biệt là truy vết. Vấn đề giãn cách, phong tỏa, có nơi thực hiện chưa nghiêm, có nơi lại làm chặt quá, chưa linh hoạt khi thực hiện, gây ảnh hưởng đến mục tiêu kép.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, những ngày tới phải duy trì chiến lược ngăn chặn-phát hiện-cách ly-khoanh vùng-dập dịch và điều trị hiệu quả nhưng phải linh hoạt để phù hợp với từng địa bàn. Vấn đề truy vết cũng phải thực hiện nhanh hơn để đuổi kịp tốc độ lây lan của biến chủng lần này. Giải pháp truy vết và xét nghiệm cần linh hoạt. Tiếp đó là thay đổi thực hiện cách ly. Trường hợp ghi nhận nhiều ca F0 như TP Hồ Chí Minh, cần có phương án cách ly tại nhà theo hướng dẫn cụ thể. Đồng thời, phải phân tầng điều trị một cách khoa học.
Siết chặt hơn nữa các biện pháp chống dịch
TP Hồ Chí Minh đã trải qua 55 ngày giãn cách xã hội theo các cấp độ (gồm: Chỉ thị 15 của Thủ tướng đến Chỉ thị 10 của Thành phố, Chỉ thị 16 của Thủ tướng và nay là siết chặt Chỉ thị 16). Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nguyên nhân chính là do một số người dân không thực hiện nghiêm việc giãn cách. Do vậy, theo Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Phan Văn Mãi, TP Hồ Chí Minh quyết định siết chặt các quy định giãn cách xã hội hơn nữa.
Cụ thể, từ tối 26/7, người dân không ra đường từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Tất cả các hoạt động trên địa bàn Thành phố tạm dừng, trừ cấp cứu và theo yêu cầu điều phối để phòng chống dịch. Đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm để dịch bệnh lây lan, gây hậu quả nghiêm trọng thì cơ quan chức năng tiến hành khẩn trương điều tra, khởi tố vụ án hình sự nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Thành phố sẽ xử lý thật nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu ở cơ quan, đơn vị, địa phương nếu có thái độ thờ ơ, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, chậm trễ giải quyết phản ánh của người dân dẫn đến dịch bệnh lây lan tại đơn vị, địa phương do mình quản lý.
Theo Phó Bí thư Phan Văn Mãi, Thành phố sẽ tăng cường cung ứng hàng hóa, hỗ trợ cho người có hoàn cảnh khó khăn khi việc ra đường bị giới hạn. Chính quyền cũng sẽ xử lý tốt hơn các tình huống y tế khẩn cấp mà người dân yêu cầu. Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Phan Văn Mãi nhấn mạnh, việc siết chặt Chỉ thị 16 được thực hiện đến ngày 1/8, nhưng có thể có độ trễ 1-2 tuần để các biện pháp đủ thời gian phát huy tác dụng. Khi nào ngăn được sự lây lan và phát tán của dịch bệnh, Thành phố mới tuyên bố kết thúc hoặc điều chỉnh cấp độ thực hiện các biện pháp.
Tại Hà Nội, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng thực hiện nghiêm túc giãn cách xã hội, Công an thành phố đã tăng cường tuần tra kiểm soát, nhắc nhở, tuyên truyền và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong ngày 25/7, lực lượng chức năng của Công an thành phố đã xử phạt hành chính 168 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng 385 triệu đồng; 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ không chấp hành việc tạm dừng hoạt động 15 triệu đồng. Ngoài ra, các đơn vị cũng xử phạt hơn 115 triệu đồng đối với 52 trường hợp có các hành vi vi phạm phòng, chống dịch khác như không thực hiện biện pháp cách ly; ra khỏi nhà khi không cần thiết; đeo khẩu trang không đúng quy cách....
Về một số nhiệm vụ cấp bách cần triển khai ngay, Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý, bên cạnh phần lớn người dân thực hiện nghiêm, còn tình trạng vi phạm diễn ra nhiều nơi của tổ chức, cá nhân. Nên các quận, huyện, thị xã phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm và tuyên truyền công khai để giáo dục, răn đe.
Nhấn mạnh việc quan tâm, chăm lo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, các hộ nghèo trước tác động của dịch bệnh và việc chấp hành Chỉ thị 17/CT-UBND, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu các cấp, các ngành phải thường xuyên rà soát, kịp thời hỗ trợ, không để người dân bị thiếu đói, ốm đau mà không được giúp đỡ. Các cơ quan tham mưu nghiên cứu, cần thiết đề xuất mở rộng, nâng cao khoản hỗ trợ của thành phố so với quy định chung.
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đều xác định thời gian cao điểm hai tuần tới có ý nghĩa quyết định đối với kết quả phòng, chống dịch, do đó yêu cầu từng cấp, từng ngành, từng cơ quan, đơn vị phải quyết tâm bằng mọi giải pháp phải duy trì nghiêm kỷ cương, kỷ luật, thực hiện đúng nguyên tắc giãn cách để từng bước khống chế dịch bệnh.
Tại tỉnh Bình Dương - địa phương có số ca COVID-19 cao thứ hai cả nước (sau TP Hồ Chí Minh), cũng đang tăng cường và siết chặt các biện pháp chống dịch. Ngày 25/7, Đoàn chi viện của Bộ Y tế do Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội làm trưởng đoàn cùng các chuyên gia, bác sĩ hồi sức, cấp cứu, gây mê, tim mạch, điều dưỡng đã đến Bình Dương. Đoàn sẽ giúp Bình Dương vận hành đơn vị hồi sức tích cực ICU, hỗ trợ phòng chống dịch và điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Tỉnh Bình Dương cũng dành 500 tỷ đồng để giải ngân cho các đối tượng theo Nghị quyết 68.
Hơn 12 triệu liều vắc xin COVID-19 được chuyển cho các địa phương
Ngay từ đầu năm 2020, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt chiến lược vắc xin trên toàn diện các lĩnh vực: mua, nhập khẩu vắc xin, nhận chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước và tổ chức tiêm vắc xin. Theo đó, thỏa thuận cung ứng vắc xin đầu tiên được ký kết vào tháng 9/2020 từ Covax với 38,9 triệu liều; tháng 11/2020 hợp đồng được ký với AstraZeneca với 30 triệu liều; ngoài ra còn có các hợp đồng cam kết thỏa thuận được ký kết với Pfizer, với Nga, và một số nước khác.
Nỗ lực tiếp cận và ngoại giao vắc xin được thúc đẩy mạnh mẽ với hàng loạt cuộc đàm phán trao đổi trong các cuộc gặp song phương, đa phương của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, Việt Nam đã có các cam kết, thỏa thuận, hợp đồng và nhận được nhiều nguồn viện trợ của Mỹ, Nhật, Úc, Anh và các nước khác với số lượng trên 130 triệu liều, đang nỗ lực đàm phán ký kết trên 40 triệu liều để nâng tổng số lên 170 triệu liều vào năm 2021.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 14 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 thông qua các nguồn khác nhau. Trong đó, có gần 7,5 triệu liều từ Cơ chế COVAX, bao gồm: hơn 5 triệu liều vắc xin Moderna do Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ và hơn 2.49 triệu liều AstraZeneca…
Về nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ vắc xin, vào quý I/2021, Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia đầu tiên trên thế giới phân lập, nuôi cấy vi rút mở đường cho nghiên cứu vắc xin; là quốc gia đầu tiên trong Đông Nam Á, tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3. Đến tháng 8/2021, mũi tiêm thứ 2 sẽ hoàn thành cho các đối tượng nghiên cứu và sẽ thực hiện việc đăng ký theo quy định.
Về chuyển giao công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin hiện nay có 3 hợp đồng chuyển giao công nghệ với Nga, Mỹ, Nhật đã được ký kết. Với Nga, đã xong giai đoạn 1 gia công, đóng ống đã hoàn thành và đang được kiểm định chất lượng tại Nga; trong tháng 8 sẽ được đóng ống tại Việt Nam chuyển sang giai đoạn 2 chuyển giao công nghệ vào cuối năm nay. Hợp đồng với Mỹ chuyển giao công nghệ vắc xin với công nghệ cao nhất sẽ tiến hành thử nghiệm vào tháng 8; nhà máy sản xuất với quy mô đạt tới 100 triệu liều đã được triển khai xây dựng và chuẩn bị đi vào hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2022.
Cùng với đó, chiến dịch tiêm chủng vắc xin đã được khởi động và hiện đang đẩy nhanh tiến độ. Tính đến hết ngày 25/7, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 4.613.491 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.223.628 liều, tiêm mũi 2 là 389.863 liều.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, riêng trong tháng 7/2021 sẽ có khoảng hơn 12 triệu liều vắc xin COVID-19 được chuyển cho các địa phương đang có dịch; các tỉnh, thành phố là đầu tầu kinh tế và các tỉnh khác để tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ./.
Theo TTXVN